Huy động hơn 340 tỷ đồng
Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết, hơn 3,5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn huyện đã huy động hơn 340 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các công trình trên địa bàn. Trong đó, đầu tư được 20,7km đường xã, 28,9km đường thôn, 7,7km đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa 19,8km kênh mương thủy lợi; xây dựng mới 6 trạm biến áp và 11,5km đường dây điện hạ thế; đầu tư xây mới và nâng cấp 150 phòng học các cấp, nâng cấp và xây dựng mới 3 chợ nông thôn, 3 trạm y tế xã, 4 nhà văn hóa xã, 17 nhà văn hóa thôn…
“Đến nay, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. 100% đường giao thông đến trung tâm các xã được bê tông và nhựa hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 12/12 xã có trạm y tế đạt chuẩn; có 35/52 trường các bậc học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 8,11%... Số tiêu chí NTM đã được nâng lên đáng kể, có 1 xã (Đức Tân) đạt 15, 2 xã đạt 12 và 3 xã đạt 10 tiêu chí” - ông Tùng thông tin thêm.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Mộ Đức là nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất. Nhân dân trong huyện rất nhiệt tình hưởng ứng tham gia góp sức xây dựng NTM, tuy nhiên nguồn lực địa phương và sức dân có hạn.
Mộ Đức xác định xây dựng NTM là cái gốc để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, vì vậy, những năm qua huyện luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát đến công tác này. Hàng năm huyện đầu tư hàng tỷ đồng để thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình như: Xây dựng cánh đồng mẫu tại Đức Tân, Đức Nhuận, Đức Hòa… và 24 cánh đồng tại 12 xã, thị trấn, với tổng diện tích 214,5 ha, cho doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm. Hay như mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Đức Thạnh; làm nấm ở xã Đức Nhuận và xã Đức Chánh… Mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp trồng cây ăn quả của ông Lê Tuấn Phát (Đức Chánh) có doanh thu hơn 700 triệu đồng/năm; trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả của ông Trần Độ (xã Đức Hòa) doanh thu hơn 850 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi tổng hợp của hộ gia đình ông Ngô Văn Sơn (xã Đức Lân) có doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng/năm…
“Để đạt được những kết quả như trên là cả một quá trình dài và sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và nhân dân toàn huyện. Chúng tôi đã huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc mới thực hiện tốt chương trình. Đích của NTM không còn dài, nhưng chúng tôi sẽ không nóng vội mà từng bước xây dựng các tiêu chí một cách bền vững nhất. Mục tiêu là từ nay đến năm 2015 phấn đấu có từ 1 - 2 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên và phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã trên đạt chuẩn NTM...” - ông Tùng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.