Mô hình mẹ đỡ đầu vùng "chảo lửa"

Nay Sắt (Theo Dân Trí) Thứ sáu, ngày 15/07/2022 06:15 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, cán bộ thuộc Hội phụ nữ huyện Krông Pa (Gia Lai) đã xây dựng mô hình "Mẹ đỡ đầu" để chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi. Nhờ vậy, các em đã có cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Bình luận 0

Theo Hội LHPN huyện Krông Pa (Gia Lai), trên toàn huyện có 341 trẻ mồ côi, trong đó có 179 trường hợp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, cần sự giúp đỡ, chung tay của cộng đồng.

Vì cuộc sống khó khăn, rất nhiều trẻ mồ côi phải lang thang trên những đồi cỏ khô cháy thuộc vùng "chảo lửa" huyện Krông Pa để mưu sinh.

Chính vì vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa đã xây dựng chương trình "Mẹ đỡ đầu" nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Qua đó, chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, vừa góp phần xoa dịu nỗi đau, vừa tạo điểm tựa vững chắc giúp trẻ mồ côi vượt qua nghịch cảnh, bước tiếp trên con đường phía trước.

Thời gian qua, hội đã làm rất tốt hoạt động nuôi dưỡng, đỡ đầu các trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em có cơ hội được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và xã hội.

Mô hình mẹ đỡ đầu ở vùng "chảo lửa" - Ảnh 1.

Nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Krông Pa đã nhận đỡ đầu, chăm sóc cho hàng trăm trẻ em mồi côi.

Đến nay, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện tổ chức ký cam kết nhận đỡ đầu, hỗ trợ 21 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên. Mỗi năm, các chị em phụ nữ trong hội thường xuyên thăm và tặng quà các cháu được nhận đỡ đầu. Đặc biệt, hội đã nhân rộng mô hình tặng heo giống và giới thiệu việc làm cho gia đình bảo hộ nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

Mô hình mẹ đỡ đầu ở vùng "chảo lửa" - Ảnh 2.

Chị Ngô Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Gu - là mẹ đỡ đầu của em S.K. Chị đã cố gắng thường xuyên thăm hỏi, gần gũi, hỗ trợ cô con gái nuôi.

Em S.K (SN 2014, trú tại xã Chư Gu, huyện Krông Pa) là một trong những trẻ mồ côi được hội phụ nữ nhận chăm sóc, đỡ đầu. S.K sinh ra trong một gia đình nghèo khó, năm lên 6 thì mất mẹ vì bị ung thư. Ít lâu sau, bố của K. cũng rời bỏ con, đi lập gia đình mới.

Thương cô bé côi cút sống với bà ngoại đã già, người dì đông con trong cảnh nghèo khổ, các chị em của Hội LHPN xã Chư Gu đã cùng nhau quyên góp tiền để hỗ trợ hàng tháng cho K. Qua nhiều tháng, nhờ số tiền được trao, cộng với sự quan tâm, sẻ chia của mọi người, bé gái được đến trường, cuộc sống của em dần ổn định.

Mô hình mẹ đỡ đầu ở vùng "chảo lửa" - Ảnh 3.

Mỗi dịp lễ, tết, những người mẹ đặc biệt lại đến thăm hỏi, giúp đỡ các em trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi.

Theo chị Ngô Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Gu, với mô hình "Mẹ đỡ đầu", Hội đã rà soát nhiều hoàn cảnh mồ côi, gia đình khó khăn trên địa bàn. Qua đó, trước mắt, các chị em thống nhất lựa chọn em K. để chăm sóc, hỗ trợ tiền ăn, học. Đồng thời Hội cũng tích cực tổ chức nhiều chương trình như "Nuôi heo đất giúp trẻ đến trường" để dành hỗ trợ các em có gia cảnh đáng thương.

"Hoàn cảnh của em K. rất đáng thương. Hiện tại em đang ở với bà ngoại bị bệnh chỉ nằm một chỗ. Em còn có dì và chú là trụ cột của gia đình nhưng cuộc sống cũng không ổn định. Hằng ngày K. phụ giúp gia đình quét nhà, rửa bát,… Khi dì lên rẫy, em cũng đi theo. Tuy nhỏ, nhưng K. rất chịu thương chịu khó, ngoan ngoãn", chị Huyền tâm sự.

Tương tự là hoàn cảnh của em R.O.HT (SN 2011, trú tại thị trấn Phú Túc) mồ côi mẹ 3 năm trước, người bố cũng bỏ em đi theo người mới. Từ đó, em sống với bà ngoại bị bệnh u não và 2 chị, em trong căn nhà sàn tuềnh toàng. Vốn đã nghèo, khi mẹ mất, R.O.HT và chị phải đi làm kiếm tiền để chữa bệnh cho bà ngoại bệnh. Do hoàn cảnh quá khó khăn, R.O.HT và em nhỏ chỉ mới 4 tuổi đành phải ở nhờ nhà họ hàng cách nhà hơn 20km.

Mô hình mẹ đỡ đầu ở vùng "chảo lửa" - Ảnh 4.

Những người mẹ đỡ đầu đã góp phần xoa dịu nỗi đau, vừa tạo điểm tựa vững chắc giúp trẻ mồ côi vượt qua nghịch cảnh, bước tiếp trên con đường phía trước.

Khi biết đến hoàn cảnh của T., Hội LHPN thị trấn Phú Túc đã quyết định nhận đỡ đầu cho cô bé mồ côi này cho đến năm em 18 tuổi. Người mẹ đỡ đầu của T. là chị Quách Thị Mỹ Phượng - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Túc. Chị Phượng đã kêu gọi nguồn hỗ trợ cho em từ các thành viên trong hội, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho con nuôi.

Trong nhiều tháng qua, chị Phượng luôn tích cực tạo kết nối giữa các tổ chức, mạnh thường quân trong tỉnh. Bên cạnh đó, chị và hội đã có nhiều lần thăm hỏi, tặng bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt, học tập cho em T.

"Cháu không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn các cô, dì đã thường xuyên giúp đỡ, động viên để cháu có thể tiếp tục yên tâm đi học. Cháu sẽ cố gắng học để xứng đáng với sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người", R.O.HT xúc động bày tỏ.

Bà Rơ Ô Lễ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa cho biết, thời gian nhận đỡ đầu mỗi trẻ đều rất dài. Sau khi các em tròn 18 tuổi, Hội còn có kế hoạch hướng nghiệp để các em có thể tìm được nghề nghiệp phù hợp. Đó là một hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên.

"Bằng tình thương yêu và tấm lòng của người mẹ, các chị em hội viên hội phụ nữ các cấp tại huyện Krông Pa đã đồng hành, giúp đỡ được nhiều trẻ mồ côi. Với mục đích tạo điểm tựa bền vững cho các cháu, chị em phụ nữ huyện đã triển khai nhiều cách thức giúp đỡ phù hợp, tạo sự yên tâm, tin tưởng và gắn bó giữa các cháu và những người mẹ đỡ đầu", bà Rơ Ô Lễ chia sẻ.

* Bài có sự biên tập ở title

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem