Mở rộng quyền lợi, kiểm soát lạm dụng BHYT

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 27/06/2014 06:29 AM (GMT+7)
Ngày 26.6, tại buổi mít tinh nhân ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1.7, bà Nguyễn Thị Minh- Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay đã có hơn 61 triệu người Việt Nam tham gia BHYT, chiếm gần 70% dân số.
Bình luận 0

Luật BHYT sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã mở rộng nhiều quyền lợi cho người bệnh: Chi trả 100% viện phí cho người nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo...

Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi cũng đưa quy định bắt buộc tham gia BHYT và khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi (10%). Theo bà Minh, năm 2013, Quỹ BHYT đã chi trả cho trên 131 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số chi trên 42.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mục tiêu của đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, năm 2015 đạt trên 75% dân số tham gia BHYT, năm 2020 sẽ là 80%.

Quyền lợi người tham gia BHYT đang được mở rộng, nâng cao. Tuy nhiên, đang có hiện tượng “xà xẻo” Quỹ BHYT khi các hình thức trục lợi, rút ruột Quỹ BHYT ngày càng tinh vi. Nếu như không có các hình thức quản lý tốt hơn thì chưa chắc người bệnh đã được hưởng quyền lợi của mình.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện 2 cơ sở khám chữa bệnh là Phòng khám Đa khoa Nguyễn Bình Khiêm (huyện An Dương) và Phòng khám đa khoa Quang Thanh huyện An Lão (TP.Hải Phòng) lập nhiều hồ sơ khống chiếm đoạt tiền BHYT. Từ năm 2010, mỗi đơn vị chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng. 2 cơ sở này đã lập hàng nghìn chứng từ, phiếu đề nghị thanh toán giả mạo (không có người bệnh thật) để đề nghị thanh toán. Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội cũng đã phát hiện ra một đường dây các bác sĩ ký khống giấy tờ, đơn thuốc để rút ruột Quỹ BHYT.

Theo ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Giám định (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), hình thức trục lợi quỹ BHYT ngày càng tinh vi. Một số cơ sở y tế không chỉ làm giả giấy tờ mà còn sử dụng các “chiêu” khó phát hiện như một loại thuốc áp nhiều giá thanh toán và cao hơn giá trúng thầu; thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao khi chưa được phê duyệt; chỉ định rộng rãi các xét nghiệm, chẩn đoán. Để quản lý Quỹ BHYT được chặt chẽ hơn, tránh các hành vi lạm dụng quỹ thì cần phải có các chế tài xử lý nghiêm khắc các vi phạm, tăng cường giám sát của bệnh nhân và chính quyền cơ sở…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem