Mở thư viện cho làng

Thứ ba, ngày 11/03/2014 10:03 AM (GMT+7)
Mới đi vào hoạt động chưa đầy 5 tháng, “thư viện nông dân” do Hội ND Quảng Bình thành lập tại nhà ông Phùng Xuân Ngõ (thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) đã có hàng ngàn lượt người đến đọc, tra cứu tài liệu.
Bình luận 0
Người dân thôn Vĩnh Tuy đều cho rằng thư viện là kho kiến thức phong phú về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và pháp luật...

Đưa kho kiến thức về làng

Quảng Ninh được xem là một trong hai vựa lúa lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Nông dân (ND) ở đây quanh năm lo làm ăn nên cơ hội để tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, kinh doanh còn rất hạn chế.

Thư viện nông dân đặt tại nhà ông Ngõ.
Thư viện nông dân đặt tại nhà ông Ngõ.

Trước nhu cầu của ND, tháng 10.2013 Hội ND tỉnh Quảng Bình đã khai trương và đưa vào hoạt động thư viện nông dân đầu tiên của tỉnh. Thư viện được đặt tại nhà của ông Phùng Xuân Ngõ (70 tuổi), hội viên ND thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.

Không chỉ cho đặt thư viện miễn phí tại nhà, vợ chồng ông Ngõ còn kiêm luôn thủ thư không công, luôn nhiệt tình đón tiếp ND đến đọc. Từ ngày thư viện đi vào hoạt động đến nay, những lúc rảnh rỗi việc đồng áng, đông đảo bà con lại đến thư viện để đọc sách báo, tìm hiểu kỹ thuật làm ăn.

Trưa nào ông Hàn Đình Đức (65 tuổi) cũng tới thư viện để đọc sách, báo. “Tui quanh năm suốt tháng ngoài đồng, ngày đi làm tối về xem ti vi hoặc nghe đài rồi đi ngủ chứ làm răng có sách, báo mà đọc. Từ ngày có thư viện do Hội ND lập, tui đến đây đọc sách báo miễn phí, để nâng cao kiến thức về chính trị, xã hội mà tui còn học được nhiều cách thức làm ăn hay” – ông Đức chia sẻ.

Thủ thư Phùng Xuân Ngõ cho biết, để tạo điều kiện cho nhiều người được đọc sách, báo, thư viện còn cho bà con mượn sách về nhà đọc nhưng với điều kiện phải đem trả đúng thời gian quy định. Thư viện đã trở thành địa điểm gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất của bà con trong thôn, trong xã.

Ông Đoàn Ngọc Còi (64 tuổi) - độc giả quen thuộc của thư viện chia sẻ: “Mỗi lần tới thư viện tui đều dẫn mấy đứa cháu đi theo. Mình đọc những cuốn về kỹ thuật sản xuất, các cháu đọc sách, truyện thiếu nhi. Lâu dần thành quen, tuần nào chúng cũng bắt tui dẫn đến thư viện”.

Ông Ngõ cho biết, hiện nay, thư viện có gần 1.000 đầu sách; báo, tạp chí có gần 1.200 cuốn với nhiều thể loại phục vụ nhu cầu của bà con.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Nam Long cho biết, thời gian tới, Hội sẽ bổ sung thêm sách báo cho thư viện thôn Vĩnh Tuy; đồng thời nghiên cứu, xây dựng, phát triển thêm nhiều mô hình thư viện làng để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân nông thôn.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, thư viện mở cửa liên tục các ngày trong tuần, hàng ngàn lượt người đã đến thư viện đọc sách và nghiên cứu tài liệu. Bạn đọc của thư viện không chỉ là ND, cán bộ hội mà thu hút nhiều thanh niên, học sinh...

Thư viện còn là nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của Hội ND nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, cũng như nhiều cơ quan, tổ chức mỗi khi có dịp đến làm việc, công tác trên địa bàn xã Vĩnh Ninh.

Ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình nhận định: Sau gần nửa năm hoạt động, mô hình thư viện ND ở Vĩnh Ninh đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu đọc của ND. Đây thực sự là kênh tiếp cận thông tin hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật và là địa chỉ sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho người dân nông thôn...

Tuy nhiên, theo thủ thư Phùng Xuân Ngõ, thư viện ngày càng phát triển, nên rất cần sự hỗ trợ, cung cấp thêm nhiều những nguồn tài liệu bổ ích, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của bà con nông dân.
Phan Phương (Phan Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem