Thị trường bị… lãng quên
Theo số liệu điều tra vào tháng 10.2016 của Tổng cục Thống kê, đàn gia cầm cả nước đã đạt khoảng 361,7 triệu con, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 277,2 triệu con, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015. So sánh các số liệu qua từng năm có thể thấy ngành chăn nuôi gia cầm nước ta tăng trưởng rất nhanh. Cụ thể, năm 2005 sản lượng chưa đến 360.000 tấn, đến năm 2014 đã đạt 873.200 tấn. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng năm 2016 đạt khoảng 961.600 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thì sản lượng thịt gia cầm thậm chí có thể đạt tới 2 triệu tấn nếu căn cứ vào lượng thức ăn đã tiêu tốn trong năm 2016.
Ông Đào Xuân Hải, xã Kim Long, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Ảnh: Việt Tùng
Ở góc độ người chăn nuôi gia cầm, để tồn tại và phát triển cần giảm thấp giá thành, đầu tư theo hướng sản xuất mô hình trang trại quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ trong lựa chọn con giống chất lượng cao, kiểm soát dịch bệnh, quản lý theo phương thức hiện đại hoặc liên kết trong các chuỗi sản xuất khép kín. Nếu có thể, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây chính là cách mà các doanh nghiệp đứng đầu ngành gia cầm thế giới đã làm.
|
Lượng tiêu thụ thịt gia cầm trong nước cũng tăng mạnh, năm 2005 lượng tiêu thụ là 322.000 tấn, năm 2015 ước tính tiêu thụ 862.000 tấn, tức là sau 10 năm lượng tiêu thụ tăng đến 267,7%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ thịt gia cầm sẽ còn nhiều hơn nữa nếu tính theo số liệu tiêu thụ bình quân trên đầu người ở Việt Nam là 11,5 kg/người năm, thì với 90,5 triệu dân, năm 2015 lượng tiêu thụ sẽ đạt trên 1 triệu tấn.
Những năm gần đây, xu hướng chọn thịt gà để cung cấp đạm động vật cho bữa ăn hàng ngày vì nhiều dưỡng chất, giá thành rẻ, tiết kiệm được nguồn thức ăn chăn nuôi, nguồn nước…, vì thế đã mở ra một thị trường đầy tiềm năng cho sản phẩm thịt gà cả trong nước và xuất khẩu. Theo đó, thay vì xuất khẩu cả con gà, chúng ta có thể chỉ xuất khẩu ức gà, phần mà các nước châu Âu và Nhật Bản rất ưa chuộng. Nếu làm tốt thì chỉ xuất khẩu ức gà cũng đã có lãi. Bên cạnh đó, gà thả vườn chăn nuôi theo hướng hữu cơ ở các nước có giá trị lên tới hơn 10 USD/kg, và chỉ những người có tiền mới dám ăn gà hữu cơ, tức chăn nuôi gần giống như gà thả vườn của Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam đang có nhiều giống gà rất ngon, và chỉ ở Việt Nam mới có như gà ri, tre, gà mía, gà Hồ, gà Đông Tảo... Các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô nuôi những giống gà này để xuất khẩu và nhắm tới một số lượng lớn kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Đó là chưa kể, thủy cầm như thịt vịt và trứng vịt cũng là lợi thế lớn của ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay.
Phá vỡ thế yếu
Với quyết tâm biến mục tiêu trên thành hiện thực, từ tháng 10.2015 Bộ NNPTNT đã thành lập tổ công tác xúc tiến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gia cầm và giao cho Cục Thú y tổ chức thực hiện. Ngay sau đó, Cục Thú y đã tổ chức các cuộc họp với doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà để nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu, năng lực xuất khẩu của các đơn vị. Trong năm 2016, tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức đoàn làm việc với lãnh đạo Bộ và cơ quan chuyên môn, đề xuất chương trình sản xuất gà an toàn thực phẩm và an toàn sinh học để xuất thịt gà sang Nhật Bản.
Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi lưu ý thêm, để xuất khẩu được sản phẩm thịt gà sang các thị trường khó tính, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, ví dụ như giống gà, vùng chăn nuôi, tiêu chuẩn vệ sinh, tiêu chuẩn thức ăn, nước uống, vệ sinh giết mổ, vùng an toàn dịch bệnh… “Chắc chắn các nước nhập khẩu sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để thị sát, đặc biệt là thị sát những vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, nhất là đảm bảo an toàn dịch bệnh có truy xuất nguồn gốc...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.