Theo đó, tất cả hành vi như lời nói, lời nhận xét về trang phục khiếm nhã, truyện cười ngụ ý tình dục, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, tin nhắn gợi tình, chỉ các ngón tay, lời đề nghị mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục… cũng được xem là hành vi mang tính chất QRTD.
Theo một nghiên cứu do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012, phần lớn các nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là lao động nữ từ 18 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc. Việc QRTD nơi làm việc gây tổn thất cho người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lao động và làm xấu đi môi trường tại nơi làm việc.
Phần lớn các nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là lao động nữ (Ảnh minh họa)
Bộ quy tắc là cơ sở để chủ sử dụng và người lao động tại Việt Nam nhận diện, ngăn chặn và xử lý QRTD tại nơi làm việc. Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại mọi doanh nghiệp (DN), cả ở khu vực công và tư, trên cơ sở tự nguyện.
Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Luật Lao động 2012 quy định, hành vi QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi QRTD, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi, vi phạm còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế.
Theo ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), Bộ quy tắc này được xây dựng nhằm giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống QRTD tại nơi làm việc, giúp phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao.
Trả lời về thắc mắc tại sao không ra thông tư, nghị định hướng dẫn về xử lý QRTD nơi làm việc, ông Bốn khẳng định: “Các văn bản pháp luật nhà nước ta hiện nay là không thiếu. Có cả Luật Hành chính và Luật Hình sự đều quy định cụ thể biện pháp xử phạt đối với các tội danh về QRTD, xâm hại tình dục. Thế nhưng, những hành vi QRTD, chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng lại gây khó khăn cho người lao động, làm cản trở lao động sản xuất thì chưa được bất cứ một quy tắc hay bộ luật nào điều chỉnh”.
Bởi vậy, Bộ quy tắc là căn cứ để Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động hiểu cụ thể thế nào là QRTD tại nơi làm việc, nhằm phòng ngừa hành vi này.
Bộ quy tắc cũng hướng dẫn người LĐ, doanh nghiệp (DN) cách xử lý khi hành vi này diễn ra và quy định nghiêm cấm hành vi trong nội quy DN. Đặc biệt, người lao động cũng được hướng dẫn quy trình khiếu nại tố cáo đối với hành vi QRTD.
Ông Gyorgy Sziraczki -Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, việc công bố Bộ quy tắc là “một bước tiến của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc.”
Tuy nhiên, trong buổi công bố, nhiều ý kiến cá nhân và đại diện cán bộ làm công tác nhân sự ở các DN cho rằng Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục sẽ rất khó khả thi vì nó không có tính pháp lý. Các DN thường không có ưu tiên đối với các quy tắc không mang tính chất bắt buộc của nhà nước.
Cụ thể, các hình thức được xem là QRTD nơi làm việc gồm những nội dung chủ yếu sau:
QRTD bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
Hoặc QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về trang phục khi có mặt hoặc vắng mặt người đó, truyện cười ngụ ý tình dục. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
Ngoài ra, việc dùng lời nói, các hành động không được mong muốn như nôn ngữ khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các chỉ các ngón tay… cũng được xem là hành vi mang tính chất QRTD. Việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh vật, màn hình máy tính, tin nhắn… liên quan tới tình dục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.