"Mối lương duyên" của một phóng viên VTV với nông dân

Khánh Linh Thứ ba, ngày 21/06/2011 07:09 AM (GMT+7)
Khi được hỏi tại sao lại chọn gắn bó với các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân mật thiết và lâu năm như thế, nhà báo Sỹ Khỏe - phóng viên Ban Thời sự, Đài THVN chỉ trả lời rằng, đó là “mối lương duyên”.
Bình luận 0

Chưa bị bà con… mắng bao giờ

Sớm có duyên với nghiệp truyền hình, nhưng những ngày đầu, nhà báo Sỹ Khỏe đã từng công tác tại trường quay của Đài THVN với vị trí kỹ thuật ánh sáng sau khi tốt nghiệp trường Kỹ thuật Phát thanh – Truyền hình Thường Tín. Được mấy năm thì anh nhận giấy gọi nhập ngũ.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Sỹ Khỏe thi vào Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền) và đăng ký học ngành truyền hình. Ra trường năm 1995, anh được nhận về Ban Thời sự và trở thành phóng viên chuyên về nông nghiệp, nông thôn và nông dân suốt từ bấy đến giờ.

img

Nhà báo Sỹ Khỏe đã có 16 năm gắn bó với các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đối với Sỹ Khỏe, anh khẳng định không có chuyện viết sai, bởi trong quá trình thâm nhập thực tế, nếu đụng phải cái gì còn chưa biết anh đều hỏi ngay các nhà chuyên môn để được giải thích thật kỹ càng, thấu đáo; còn bình thường, Sỹ Khỏe cũng khá tự tin với vốn kiến thức và kinh nghiệm đầy đặn của mình trong lĩnh vực nông nghiệp.16 năm gắn bó với công việc này với rất nhiều kỷ niệm vui cũng có, buồn cũng có, nhưng Sỹ Khỏe “khoe” rằng anh chưa từng bị bà con mắng bao giờ. Bà con nông dân mình tính tình bộc trực, hay nói thẳng nói thật, nếu nhà báo phản ánh vấn đề mà chưa đúng, chưa chuẩn thì đến lúc gặp sẽ bị bà con góp ý ngay, thậm chí nếu sai còn bị họ trách mắng.

“Ngày xưa bố mẹ tôi đều là nông dân, bản chất tôi cũng là nông dân, từ nông dân mà ra. Những gian nan vất vả hay kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi của nhà nông, tôi đã trải qua hết rồi nên khi tác nghiệp vừa không bị bỡ ngỡ, vừa dễ dàng đồng cảm với bà con” – anh tự hào cho biết.

“Tôi nói bằng giọng của nông dân”

Cùng một đề tài, một vấn đề, nhưng khi khai thác thì mỗi phóng viên lại có một giọng điệu riêng. Có người tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn băm bổ sắc sảo, có người lại rủ rỉ rù rì đi vào chi tiết. Còn Sỹ Khỏe, anh tự nhận giọng điệu của mình là giọng của nông dân, là thấy sao nói vậy (nhưng đương nhiên vẫn phải qua lăng kính, góc nhìn của người làm báo).

Bên cạnh những giọng đọc chuẩn và truyền cảm trong các bản tin của VTV, khán giả truyền hình và nhất là bà con nông dân đã rất quen với một giọng nam khá đặc biệt mà chủ nhân của nó – nhà báo Sỹ Khỏe – tự gọi đó là chất giọng “khàn khàn thuốc lào thuốc lá”.
Ít ai biết rằng phải mất mấy năm đầu khi làm nghề, Sỹ Khỏe không tự tin lắm với giọng đọc của mình nên toàn phải nhờ đồng nghiệp đọc hộ các tin bài, phóng sự. Mãi sau này được động viên và đọc thử không thấy ai chê gì, anh mới dần tự tin và đến giờ thì hầu như tất cả các tin bài Sỹ Khỏe viết đều do anh tự đọc, bởi như anh nói: “Dù giọng mình có thể không hay nhưng lại thể hiện được rõ nhất cái hồn, cái thần thái của bài viết đó”.

“Không cần ăn to nói lớn, nhưng mình cứ đi vào lõi vấn đề, nói đúng, nói trúng, lọt tai người ta. Nông dân mình chỉ cần nghe sự thật, cách nói không cần bóng bẩy mà cứ gần gũi, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhớ” – nhà báo Sỹ Khỏe chia sẻ “bí quyết” vì sao mà các tin bài, phóng sự của anh hay được bà con đón xem và ủng hộ.

Cũng bởi sự tín nhiệm này mà Sỹ Khỏe đã trở thành nơi để bà con tin tưởng gửi gắm, giãi bày và cung cấp thông tin, không chỉ khi gặp gỡ trực tiếp mà còn qua thư từ, điện thoại. Anh kể nhiều đêm đang ngủ cũng nghe chuông điện thoại reo, bà con nông dân mình gọi điện đến kể lể nỗi niềm bức xúc và mời nhà báo về điều tra, tìm hiểu tình hình sự việc.

Có lần nhận được lời kêu cứu qua điện thoại của nông dân ở một huyện miền núi Thanh Hóa, Sỹ Khỏe đã đến tận nơi để phản ánh về việc hàng nghìn ha dưa hấu của bà con dù chỉ còn thời gian ngắn nữa là thu hoạch, nhưng do một quyết định hơi vội vã của chính quyền địa phương nơi đây mà rất có thể chỗ dưa hấu đó sẽ bị phá đi để trồng mía. Sau khi phóng sự được phát sóng, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu dừng ngay việc phá dỡ này đợi cho dưa hấu được thu hoạch xong, đồng thời tỉnh còn có công văn gửi về Đài THVN cảm ơn phóng viên đã phát hiện vấn đề kịp thời.

Nói về “chiến công” cứu được hàng nghìn ha dưa hấu sắp đến kỳ thu hoạch cho bà con, Sỹ Khỏe chỉ bộc bạch rất mộc mạc: “Tôi cũng là nông dân nên hiểu được nỗi lòng của người nông dân. Sản phẩm không phải của mình làm ra nhưng là của bà con mình làm ra cho xã hội, là sản phẩm của xã hội. Nếu tự dưng mà bị phá đi thì cũng đau xót lắm chứ. Nên nếu như góp được một tiếng nói nhỏ của mình để gỡ khó được cho bà con thì thấy sung sướng lắm!”.

Từ những nguồn tin bà con cung cấp đã dẫn đến sự ra đời của các phóng sự hay, có giá trị thời sự cao. Tuy nhiên, không ít lần nhà báo cũng bị “hớ”, vì khi nhận được tin báo thì sự việc có vẻ rất to tát, nóng sốt, nhưng khi cất công đến nơi thì đó chỉ là sự vụ nhỏ lẻ, không đáng kể. Như có lần một địa phương báo tin lốc xoáy, bão to gây thiệt hại tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng và đề nghị thông tin để được giúp đỡ. Nhưng khi nhóm của Sỹ Khỏe vượt hàng trăm cây số đến nơi thì chỉ thấy lèo tèo một vài ngôi nhà bị tốc mái, mấy đám ngô bị đổ dạt – đáng ra chỉ cần làm một tin nhỏ đăng báo địa phương là được rồi, thay vì phải kéo cả đoàn truyền hình trung ương đến.

Những thông tin bà con cung cấp dù có cái đúng và cũng có khi không đúng, nhưng Sỹ Khỏe tâm sự rằng anh đều thấy rất trân trọng bởi được bà con biết đến, nghĩ đến như thế là quý rồi. Nhà báo có thâm niên 16 năm gắn bó với các vấn đề nông nghiệp khẳng định, chính những thông tin từ cơ sở, từ những người nông dân là một nguồn quan trọng không thể thiếu cho những phóng viên như anh khi làm nghề.

Sướng với danh hiệu “bạn nhà nông”

Nhà báo Sỹ Khỏe không giấu nổi niềm hân hoan thích thú khi kể về những danh hiệu của anh gắn liền với các vấn đề nông nghiệp nông thôn và bà con nông dân. Trong con mắt đồng nghiệp, Sỹ Khỏe được đánh giá là một phóng viên chịu khó gần gũi nông dân, dám xông xáo, không nề hà động chân động tay vào các công việc nhà nông. Thế nên mới có chuyện nhà báo An Duyệt khi còn làm Phó trưởng Ban Thời sự, cứ gặp anh là lại tươi cười gọi: “A! Sỹ Khỏe – Phân gio bò cái nước đái lợn sề”. Dù chỉ là lời trêu vui, nhưng đối với Sỹ Khỏe, đó cũng là một sự ghi nhận, một dấu ấn riêng để người ta nhớ đến mình.

img

Phóng viên Sỹ Khỏe trong một lần lội ruộng tác nghiệp ở Hải Dương

Với cách tiếp cận mềm mại, nhẹ nhàng, nhà báo Sỹ Khỏe tiết lộ, anh hầu như chưa bao giờ thất bại khi đi lấy tin. Ngay cả khi khai thác những vấn đề nhạy cảm, bà con không những không muốn trả lời, mà thậm chí còn nặng lời tỏ ý không thích “nhà báo nhiều chuyện”, thì chỉ với vài câu nói ôn hòa, xởi lởi và thái độ thân thiện: “Bác cứ bình tĩnh, mình là nông dân với nhau cả, có gì bác cứ nói em nghe xem nào…”, Sỹ Khỏe đã nhanh chóng lấy được thiện cảm và sự chia sẻ cởi mở của bà con.

Có lần đi tác nghiệp, Sỹ Khỏe được một bác nông dân vồn vã giới thiệu anh với mọi người: “Đây là Sỹ Khỏe, bạn tôi đấy!”. Rồi đợi cho mọi người thắc mắc một hồi sao lại quen được với “người nhà đài”, bác nông dân kia mới tủm tỉm: “Sỹ Khỏe – bạn nhà nông mà”. Về phía Sỹ Khỏe, nghe câu nói đó thì dù không tủm tỉm ra mặt, nhưng trong lòng không khỏi sướng râm ran.

Anh chia sẻ: “Nông dân mình vất vả nhất, nghèo nhất nhưng cũng giàu tình cảm nhất. Họ gọi mình như thế tức là họ cũng ghi nhận rằng mình gần gũi và đồng cảm với họ. “Bạn nhà nông” – chỉ cần nghe vậy thôi là thấy sướng rồi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem