Trồng cây… trên giấy
Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Nguyễn Thị Cầu – Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân cho biết, năm 2015, trường phối hợp các địa phương mở được 45 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu là các lớp nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm nay, định mức nghề mà UBND thành phố đã ban hành không còn phù hợp với thực tế, khiến việc dạy và học rất khó khăn.
Lớp dạy nghề nấu ăn cho lao động nông thôn tại Bắc Ninh. (Ảnh chụp tại Trường Trung cấp nghề Bắc Ninh). Ảnh: Minh Nguyệt
Cụ thể như nghề trồng cây cảnh, hiện nay định mức là 60.620.000 đồng, trong đó tiền chi cho nguyên vật liệu chỉ khoảng 20 triệu đồng. Tính ra, mỗi học viên chỉ có 1.732.000 đồng tiền thực hành/khóa học 3 tháng (271 tiết thực hành). Chia trung bình thì chỉ có 6.300 đồng/tiết thực hành, hầu như không đủ mua vật liệu gì.
“Học sinh học nghề cây cảnh cần nhiều cây, phôi cây để thực hành cắt tỉa, nhưng giá cây cảnh rất đắt. Chính vì vậy mà cơ sở dạy nghề phải liên hệ với các hộ có vườn cây cảnh để học sinh đến tham quan, tìm hiểu, chỉ thi thoảng mới có phôi cây để thực hành cắt tỉa. Thầy và trò hầu như chỉ “trồng cây” trên giấy trắng bảng đen” – bà Cầu nói.
Theo bà Cầu, những lần có đoàn về huyện kiểm tra, sau khi tổng kết, đánh giá nhà trường đã có ý kiến về việc điều chỉnh định mức dạy nghề. Tuy nhiên kiến nghị nhiều mà chưa thấy có thay đổi. Thông tin mới nhất mà bà Cầu nhận được là Ban chỉ đạo Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn đã có điều chỉnh tiền đi lại, tiền ăn cho hộ cận nghèo. Còn việc tăng tiền đào tạo, tiền hỗ trợ cho giáo viên thì vẫn chưa có.
Vẫn chờ… thành phố
"Năm 2015 TP.Hà Nội đào tạo được gần 21.000 lao động, trong đó hơn 11.000 lao động học các ngành nông nghiệp, gần 10.000 người học nghề phi nông nghiệp. Tổng kinh phí mà UBND TP.Hà Nội cấp cho các quận huyện đạt 43.700 tỷ đồng”.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn
|
Trả lời phóng viên về kiến nghị của nhiều cơ sở cho rằng định mức dạy nghề quá thấp, bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: “Qua thực tế đi thanh kiểm tra, chúng tôi đã lắng nghe được ý kiến từ nhiều địa phương, nhiều cơ sở đào tạo. Hiện Sở đang yêu cầu các cơ sở đào tạo tập hợp những ý kiến gửi lại Sở, để Sở làm đơn trình UBND thành phố xem xét”.
Bà Nhàn cũng thừa nhận, kinh phí dạy nghề thấp đang là rào cản khiến hoạt động dạy, học nghề gặp khó khăn, bởi người học thì mong muốn được thực hành nhiều hơn, còn cơ sở dạy nghề cũng muốn nâng cao chất lượng dạy thì mới đáp ứng được đòi hỏi của các doanh nghiệp.
Bà Nhàn cho rằng, với những ưu thế vượt trội về các khu công nghiệp, tiểu thủ công, làng nghề..., Hà Nội hoàn toàn có thế mạnh để đẩy mạnh dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.
“Để giải quyết những khó khăn về kinh phí đào tạo, trước mắt chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm việc phối hợp doanh nghiệp, thực hiện đào tạo theo địa chỉ để học viên ra trường là có việc làm ngay. Đưa học viên đi thực hành tại các cơ sở sản xuất cũng là cách giảm chi phí đào tạo, chi phí thực hành” - bà Nhàn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.