Mỗi năm đưa 5.000-7.000 lao động đi Libya

Thứ sáu, ngày 04/06/2010 07:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm 2010 tới 2015, bình quân sẽ đưa từ 5.000-7.000 lao động sang làm việc tại thị trường Libya, trong đó 80% là lao động có nghề.
Bình luận 0
img
Lao động Việt Nam làm nghề hàn trong một nhà máy tại Libya.

Ngày 3-6, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu triển khai Đề án đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại Libya. Theo Đề án được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt ngày 28-5, từ năm 2010 tới 2015, bình quân sẽ đưa từ 5.000-7.000 lao động sang làm việc tại thị trường này.

Hiện các doanh nghiệp khai thác hợp đồng đưa lao động đi thị trường này phải đảm bảo mức lương cơ bản tối thiểu (sau khi trừ thuế, bảo hiểm và các khoản đóng góp khác) là 220 USD/tháng (lao động phổ thông) và 250 USD/tháng (lao động có nghề). Thời gian làm việc: 8 giờ/ngày và 26 ngày/tháng.

Ngoài ra, người lao động phải được cung cấp miễn phí các thiết bị an toàn, bảo hộ lao động; được cung cấp vé máy bay đi, về; được ăn, ở miễn phí và được chữa trị y tế miễn phí trong thời gian làm việc tại Libya.

Một điểm đáng lưu ý nữa, Lybia là nước lớn thứ tư ở châu Phi, diện tích rất rộng - 1.759.540km2, chủ yếu là sa mạc (chiếm 90%) nên khí hậu rất nóng. Vì vậy, các doanh nghiệp ký hợp đồng phải đảm bảo nhà ở có điều hoà nhiệt độ cho lao động.

Thông tin từ phía các doanh nghiệp là đã ký được hợp đồng cao hơn mức lương tối thiểu khá nhiều. Theo ông Vũ Hồng Oai - Trưởng Phòng xuất khẩu lao động 2 của Công ty xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (Sovilaco), lương cơ bản (chưa kể tiền làm thêm giờ) của người lao động đạt từ 265 - 365 USD/tháng đối với thợ các loại. Các vị trí khác có mức lương tương đối khá như y tá 600 USD/tháng, phiên dịch 1.000 USD/tháng, bác sĩ 1.200 USD/tháng, kỹ sư 1.600 USD/tháng...

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khẳng định, để bảo vệ quyền lợi lao động, Đề án quy định, tại mỗi công trường có từ 200 lao động trở lên, doanh nghiệp phải cử 1 quản lý (do doanh nghiệp trả lương) và phải có một kỹ sư xây dựng hoặc cán bộ phiên dịch (do người sử dụng lao động phía bạn trả lương).

Nếu ít hơn 200 lao động thì phải có cán bộ quản lý kiêm nhiệm. Được biết, so với các thị trường lao động khác, mức phí môi giới/hợp đồng đi Libya khá “dễ chịu: Không quá 400 USD/người (lao động phổ thông) và không quá 500 USD/người (đối với lao động có nghề).

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia đề án này phải cam kết tuyển chọn tối thiểu 30% lao động thuộc 62 huyện nghèo theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem