TP.HCM mở 30 lớp đào tạo nghề nông nghiệp du lịch mỗi năm để phát triển du lịch nông thôn

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 18/08/2023 11:07 AM (GMT+7)
TP.HCM đã ban hành Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025”, trong đó, tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp du lịch để phát triển du lịch, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề nông thôn.
Bình luận 0
Mỗi năm, TP.HCM mở 30 lớp đào tạo nghề nông nghiệp du lịch để phát triển du lịch nông thôn - Ảnh 1.

Nhiều nông dân ở TP.HCM đã tham gia làm du lịch dù chưa qua lớp đào tạo nghề nông nghiệp du lịch. Ảnh: T.Đ

Mục tiêu của Đề án là phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm đặc trưng khu vực (sản phẩm OCOP); góp phần nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân;…

Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông nghiệp du lịch cho hội viên, nông dân. Đối tượng bồi dưỡng, đào tạo nghề nông nghiệp gắn với du lịch là nông dân, thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, các trang trại nông nghiệp.

Theo Đề án, TP dự kiến sẽ tổ chức 30 lớp/năm, mỗi lớp khoảng 40 học viên. Thời gian đào tạo dưới 3 tháng.

Cụ thể, với đối tượng là hội viên, nông dân trực tiếp sản xuất, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại, nông dân khởi nghiệp làm du lịch, nội dung là đào tạo, tập huấn là kỹ năng, kiến thức về du lịch, như cách đón tiếp du khách, kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp; tổ chức hướng dẫn khách tham quan.

Ngoài ra còn đào tạo thiết kế vườn cây ăn trái, vườn hoa; an toàn trên sản phẩm nông nghiệp do nông dân trực tiếp làm ra; sử dụng phương pháp hữu cơ vi sinh để sản xuất ra sản phẩm; sử dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp…

Mỗi năm, TP.HCM mở 30 lớp đào tạo nghề nông nghiệp du lịch để phát triển du lịch nông thôn - Ảnh 3.

Sau thời gian được đào tạo nghề nông nghiệp du lịch, nông dân ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã tổ chức đón khách tham quan. Ảnh: T.Đ

Đồng thời, đào tạo kỹ năng quản lý phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ; trải nghiệm làm nông dân; tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật; hướng dẫn khách tham quan, tham gia tổ chức các hoạt động trong trang trại; làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách; kỹ năng dự đoán thị trường…

Với đối tượng cán bộ hội nông dân, phụ trách du lịch ở xã, thị trấn, sẽ được đào tạo, tập huấn với nội dung như triển khai đề án, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về phát triển du lịch, kiến thức cơ bản về du lịch…

Ngoài đào tạo, TP còn tổ chức các chuyến tham quan, học tập thực tế tại các mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả, với 3 chuyến/năm, mỗi chuyến khoảng 30 người tham gia.

Để thực hiện Đề án, TP đã giao Hội Nông dân TP chủ trì, theo dõi và đôn đốc các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án; chỉ đạo Hội Nông dân 5 huyện xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; chủ trì, trực tiếp tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông nghiệp gắn với du lịch; tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo về du lịch cho cán bộ Hội; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia làm du lịch nông nghiệp…

Đồng thời, giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân TP hỗ trợ cán bộ, hội viên, nông dân tăng cường các giải pháp xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nâng cao thu nhập, tạo sản phâm nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sản phẩm; phối hợp với Hội Nông dân, Sở, ngành, TP.Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn các chủ thể chương trình sản phẩm nông nghiệp thực hiện tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với doanh nghiệp (DN) lữ hành triển khai hàng loạt tour kết hợp nông nghiệp ở các huyện ngoại thành TP. Điển hình như tour "hoa nở trên xứ vàng trắng"; tìm hiểu nuôi yến tại Khu bảo tồn đàn dơi Nghệ, bắt cua, chèo kayak; tour "Thiềng Liềng - chốn bình yên" tìm hiểu nghề làm muối; tour "về làng ở đô thành" tham quan đình làng hàng trăm tuổi, trang trại bò sữa…

Theo các DN lữ hành, du lịch nông nghiệp ở TP hiện vẫn dừng ở mức tiềm năng, chưa thực sự được khai thác sâu, chưa có sản phẩm hấp dẫn để kéo khách. Du lịch nông nghiệp thiếu một mô hình mới, dịch vụ phát triển chưa đồng nhất với các vùng khác. Một phần của những tồn tại này là do việc đào tạo nghề du lịch nông thôn thiếu, chưa bài bản, thậm chí tự phát.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, việc chuyển dịch ngành nghề nông thôn từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang khai thác dịch vụ du lịch là một quá trình lâu dài.

Để phát triển du lịch chuyên nghiệp hơn, người làm du lịch cần được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, như quản trị kinh doanh, marketing thị trường, ngoại ngữ, thương mại điện tử… mới có thể chủ động vận hành, khai thác mô hình kinh doanh. Người làm du lịch nông thôn cần được đào tạo, bồi dưỡng dài hạn về du lịch, về quản trị kinh doanh, ngoại ngữ…

Vì vậy, cần quan tâm đến việc thu hút tầng lớp thanh niên được đào tạo bài bản, có trình độ cao đẳng, đại học để lập nghiệp trên chính quê hương mình. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem