"Mỗi năm xử lý 300 cán bộ hải quan vi phạm"

Hoàng Thắng Thứ năm, ngày 16/11/2017 10:21 AM (GMT+7)
Chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) bức xúc về tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, hàng nghìn tỉ đồng NSNN đội nói ra đi, một phần chảy vào túi cán bộ hải quan.
Bình luận 0

img

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng về tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, hàng nghìn tỉ đồng NSNN đội nói ra đi, một phần chảy vào túi cán bộ. Trách nhiệm chính liên quan tới công chức hải quan, nhưng trách nhiệm hải quan chỉ chiếm 28%, còn lại 72% là các bộ ngành. Thực tế, vụ án ở Cảng Sài Gòn, 213 container biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu tòa, nhưng không có cán bộ ngành nào khác. Vụ Trần Bích Huyền buôn lậu thì bắt thêm 2 cán bộ hải quan chi cục 4, Cảng Sài Gòn tiếp tay cho buôn lậu. Trách nhiệm của Bộ tới đâu khi để xảy ra tình trạng này? Nguyên nhân do cán bộ đạo đức suy thoái hay buông lỏng quản lý? Giải pháp nào để chấm dứt tham nhũng?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến cũng cho biết nhiều cử tri cho rằng thay vì tăng mức GTGT làm ảnh hưởng tới giá cả tiêu dùng, đời sống người dân bước đầu, cần tìm giải pháp chống mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Cần chống chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỉ đồng tiền thuế của nhà nước chứ không phải giải pháp tăng thuế GTGT. Bộ trưởng có đồng ý với quan điểm này không? Giải pháp nào để chống thất thu thuế như nêu trên?

Trả lời câu hỏi Đại biểu Chiến nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Vụ 213 container báo chí nêu do chính Tổng Cục Hải quan phát hiện ra. Trong quá trình theo dõi, phát hiện, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an. Qua quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã bắt 3 đối tượng. Tôi khẳng định đây là vụ việc do Tổng Cục Hải quan phát hiện. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành. Vụ việc ở Hải quan An Giang, liền một lúc bắt 46 cán bộ hải quan.

Đây cũng là vụ việc Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo, phối hợp với Bộ Công An. Trong đó, vụ việc là các DN gian lận hóa đơn, hoàn thuế GTGT. Chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Thời điểm đó rất khó khăn, lãnh đạo 2 bộ Tài chính Bộ Công an, chúng tôi đã trao đổi, quyết tâm làm rõ và khi làm rõ tới doanh nghiệp thì biết trách nhiệm liên quan tới cán bộ hải quan. Chúng tôi cũng phải chấp nhận. Vừa qua tòa đã xử, trách nhiệm rất nặng.Vụ 213 container ở Cảng Sài Gòn cũng vậy.

"Nói vậy để thấy tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực trong và ngoài ngành. Hàng năm, xử lý kỉ luật cán bộ hải quan liên quan tới thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thủ tục hành chính là trên 300 trường hợp mỗi năm. Vụ 213 container ở Cảng Sài Gòn ngoài các cán bộ liên quan trực tiếp, nhiều cán bộ liên quan khác đã bị xử lý hành chính, chuyển vị trí công tác sang vị trí khác", Bộ trưởng  Tài chính nhấn mạnh. 

"Tôi thấy rằng nguyên nhân không nên đổ cho khách quan, mà nên nhìn trực diện. Đây là biểu hiện suy thoái trong lực lượng. Qua đây cũng phải rà soát lại quy trình, thủ tục, chế độ, chính sách. Vụ An Giang sau đó chúng tôi đã báo cáo lại chính phủ không cho hoàn thuế nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến, vừa qua cũng đã đưa vào luật", Bộ trưởng nói.

20.000 viên thuốc ung thư hết hạn không phải lỗi của hải quan

Đại biểu, bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nhận xét: “Bộ trưởng chưa đi sâu vào các giải pháp cụ thể trong cải cách thủ tục hải quan. Hai câu chuyện mới đây rất đáng quan tâm như việc thuốc chữa ung thư ở TP HCM nhập về nhưng thủ tục quá lâu làm thời hạn dùng thuốc không còn nữa, khiến các bệnh nhân ung thư không có thuốc dùng. Ngoài ra, trong lũ lụt, thiên tai, việc nhận cứu trợ từ quốc tế cần phải làm sớm nhưng thủ tục quá lâu nên khi cứu trợ tới được với đồng bào thì quá muộn”.

img

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về việc hải quan chậm cho nhập 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư khiến lô thuốc này phải tiêu huỷ, qua kiểm tra lô hàng này hạn sử dụng không còn đủ 12 tháng, theo quy định phải có xác nhận của cơ quan chuyên ngành. Ngày 6.8.2014, sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. HCM, công ty đã làm việc với hải quan và hải quan đã thông quan ngay trong ngày. Việc chậm trễ là do chậm kiểm tra chuyên ngành. “Theo quy định thì lô thuốc này phải qua kiểm tra chuyên ngành, phải gửi đến Viện huyết học và truyền máu trung ương. Sau khi có kết quả và khi có ý kiến của Cục kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế, thì hải quan đã thông quan ngay ngày hôm sau. Đối với chúng tôi thì hàng cứu trợ thì nguyên tắc là phải thông quan ngay trong ngày” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Trước đó, tháng 5.2015, Thanh tra TP. HCM công bố gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. Bệnh viện giải thích thuốc Tasigna lần đầu nhập về Việt Nam nên thủ tục kéo dài hơn một năm, thuốc về kho chỉ còn hạn dùng 10 tháng. Ngoài ra, bệnh nhân phải đồng chi trả 4% trong một năm, tức 42 triệu đồng nên chỉ 26 người đủ khả năng mua thay vì dự kiến 50.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem