Theo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TNMT được giao xây dựng Báo cáo Môi trường để trình Quốc hội cung cấp thông tin về môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội hàng năm theo chuyên đề; 5 năm một lần xây dựng Báo cáo Tổng quan môi trường quốc gia.
|
Xử lý chất thải rắn ở Sóc Sơn, Hà Nội. |
Tăng thêm khoảng 10% mỗi năm
Trong báo cáo chuyên đề năm nay, chất thải rắn được Bộ TNMT chọn làm vấn đề chính. Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang cho biết: “Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn đã và đang trở thành một bài toán khó đối với các nhà quản lý tại hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”.
Ở Việt Nam, quản lý chất thải rắn theo hướng bền vững là một trong 7 chương trình ưu tiên của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và là một nội dung thuộc lĩnh vực ưu tiên trong chính sách phát triển của Chương trình Nghị sự 21 - Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, vấn đề chất thải rắn như chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, xây dựng... đang rất đáng lo ngại. Báo cáo Môi trường quốc gia 2011 đã tập trung phân tích hiện trạng chất thải rắn đô thị, nông nghiệp và nông thôn, y tế (đặc biệt là vấn đề chất thải nguy hại), cùng những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra.
Báo cáo chỉ rõ thực trạng chất thải rắn phát sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp và cả ở vùng nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp, lượng phát sinh trung bình khoảng 10% mỗi năm.
Theo nguồn gốc phát sinh thì khoảng 46% chất thải rắn từ đô thị, 17% từ sản xuất công nghiệp, còn lại là từ nông thôn, làng nghề và y tế. Hậu quả của việc quản lý chất thải rắn không tốt, không đúng cách, xử lý không hợp vệ sinh gây tác động xấu tới môi trường, sức khoẻ.
Xử lý còn manh mún
Điều đáng mừng là công tác quản lý chất thải rắn đã từng bước thay đổi. Tỷ lệ thu gom hiện nay đã tăng đáng kể, trong đó tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất đạt khoảng 80-82%. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn thực tế, phần lớn chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn, việc tái chế, xử lý chưa khoa học, còn manh mún.
Theo dự báo, đến năm 2015, tỷ trọng chất thải rắn sẽ còn tiếp tục tăng lên tương ứng với con số 51% và 22%, lượng chất thải nguy hại chiếm từ 18-25% lượng chất thải rắn phát sinh tại mỗi khu vực.
Từ việc đánh giá những mặt còn bất cập, báo cáo đưa định hướng trọng tâm của công tác quản lý chất thải rắn trong giai đoạn sắp tới là thực hiện đồng bộ các giải pháp ưu tiên, hoàn thiện chính sách, xây dựng mới các quy hoạch quản lý chất thải rắn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hoá quản lý chất thải rắn, chú trọng công tác thanh, kiểm tra.
Lê Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.