Mối tình 40 năm không cần cái nắm tay

Chủ nhật, ngày 22/07/2012 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh bị cụt cả hai cánh tay, còn chị cũng bị mất một bàn tay. Đôi uyên ương không thể trao nhẫn cưới cho nhau, cũng chưa từng nắm tay nhau đã chung sống hạnh phúc suốt 40 năm nay.
Bình luận 0

Ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, họ nổi tiếng là cặp vợ chồng chỉ có một cánh tay nhưng có thể cùng nhau làm mọi việc như một người bình thường.

Anh tên Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1950, là thương binh 1/4, bị mù mắt phải và cụt 2 cánh tay hồi năm 1973. Lần ấy, anh cùng tiểu đoàn 516 của Bến Tre phục kích tàu tuần tiễu của địch trên sông Tiền. Còn vợ anh, chị Nguyễn Thị Sải, vốn là cô gái cùng xóm, nhỏ hơn anh 1 tuổi, nhà nghèo, bị mất nửa cánh tay lúc 15 tuổi vì một tai nạn lao động. Căn nhà nền gạch, vách gỗ đơn sơ của họ treo đầy bằng khen của người chồng.

img
Vợ chồng anh Hoàng chị Sải

Bà Hai Tươi, người hàng xóm đến chơi nhà, góp chuyện: “Hồi còn trong vùng giải phóng, tôi có dự đám cưới của hai vợ chồng nhà này. Ai cũng mừng, cũng cảm động nhưng rất lo cho cuộc sống sau này của cô dâu chú rể. Tay chân như vậy thì làm lụng làm sao, rồi nuôi con cái kiểu gì…”.

Anh Hoàng kể: “Hồi mới cưới, vợ chồng tui không có cục đất chọi chim. Sau giải phóng, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, xã cấp cho 3 công đất. Hồi đó đất hoang hóa, cả hai ra sức trồng tỉa, cải tạo lần hồi mới được tươi tốt như vầy đó chớ”.

Ba đứa con của anh chị lần lượt ra đời, anh Hoàng cũng ẵm bồng, nấu cơm, giặt giũ... san sẻ với vợ sau những lần vượt cạn. Anh vui vẻ nói: “Vợ chồng tui không được lành lặn như người ta, nên làm chuyện gì nếu không hiệp sức được với nhau thì phải có mưu kế hết. Thí dụ như giặt đồ, tui đổ đống đồ xuống sàn xi măng, cho xà bông vào rồi leo lên đạp. Vậy mà sạch trơn”.

Còn chị Sải, với một cánh tay nguyên vẹn đã phải chèo chống cật lực cho gia đình qua nhiều giai đoạn khó khăn. Ngày đó, trước khi quyết định nhận lời lấy anh, chị thừa nhận: “Tui thức trắng mấy đêm lo lắng. Nhưng thấy ổng thiệt bụng thương mình, tính tình siêng năng, với lại bên nhà tui ai cũng thương ổng nên tui mới ưng”.

Trong nhà, vẫn có những việc chỉ do một cánh tay chị cáng đáng, anh không thể đỡ phần, từ nặng nề như xốc lên vai chồng bao lúa, cầm phảng phát cỏ… đến nhẹ như vo gạo, cạo gió cho anh mỗi khi trở trời hay đơn giản là cột cái đuôi tóc sau ót cho con út… Chị nói: Cũng có lúc thấy buồn, thấy mệt, thấy tủi thân, nhất là hồi mới lấy nhau, nhiều người nhìn vợ chồng tui bằng ánh mắt thương hại, có khi xầm xì sau lưng. Nhưng lâu ngày, mọi người cũng quen, hàng xóm thương mến giúp đỡ”.

Hai vợ chồng không quản ngại nắng mưa, nuôi dạy 3 con khôn lớn. Ba người con của anh chị giờ đã ra riêng và dựng nhà ở gần cha mẹ. Anh Hô, con trai lớn, hiện là phó công an xã, góp lời bằng sự ngưỡng mộ: “Ba má tui rủ nhau đi chài cá, giật dừa, lột dừa, bẻ cau, viết chữ... làm gì cũng ngon ơ”.

Bé Tư, con gái út, xúc động kể về những vất vả của mẹ: “Ngày xưa, đường đâu có lán như bây giờ, đất sinh lầy, trời mưa trơn khủng khiếp, mà toàn là cầu khỉ. Chị tưởng tượng cảnh má tui một tay lành lần vịn tay cầu, một tay cụt đưa ra cho lần lượt mấy anh em nắm lần dò qua cầu. Có lần cầu trơn quá, má con tui té mương ướt loi ngoi”.

Hô góp lời: “Hồi 3 anh em tui còn nhỏ, có thời gian ba tui bận công tác lu bù ngoài xã, má ở nhà cực với anh em tui nhiều lắm, một tay má ẵm bồng coi sóc. 3 anh em cứ thích xúm lại cho má cầm kéo cắt móng tay móng chân cho từng đứa. Tui thì nhớ cảm giác bàn tay của má nựng nịu, gãi lưng cho ngủ”.

Nói về khoản viết chữ của anh, chị Sải có vẻ thẹn: “Tay ổng như vậy mà hồi đó cũng ráng tập viết cho bằng được. Cứ trật vuột mãi mà ổng vẫn quyết tâm viết cho tui bức thư tình thật mùi mẫn”. “Mùi mẫn cỡ nào ạ?”. “Tui còn nhớ mang máng: Anh thương em lâu rồi, em có ưng bụng thì hai đứa mình làm cái lễ rồi nương nhau mà sống”, chị Sải kể với ánh mắt long lanh.

Theo Dòng Đời
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem