Mối tình đầu đẹp như thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ nhật, ngày 20/10/2013 07:14 AM (GMT+7)
Đằng sau ánh hào quang của trận mạc oai hùng, ít ai biết trong lòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn vương mang nhiều nỗi niềm sâu thẳm.
Bình luận 0
Và có lẽ, mối duyên tình ngắn ngủi với người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái là một trong những nỗi đau thầm kín của người. Đó là đoạn hồi ức đẹp rực rỡ nhưng cũng đớn đau vô vàn mà có lẽ đến cuối đời Đại tướng không thể nào nguôi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.
Mối tình đẹp như thơ

Năm ấy, Đại tướng mới 20, Quang Thái tròn 16. Họ vô tình gặp nhau trên chuyến tàu Vinh – Huế, để rồi Đại tướng nhớ mãi làn da trắng hồng, đôi mắt to tròn ngây thơ nhưng kiên nghị của cô học trò Nguyễn Thị Quang Thái – em gái của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Nhưng, ấn tượng ban đầu của Quang Thái với Đại tướng chỉ là “một chàng thư sinh với vẻ công tử bột”. Sau, được người bạn đi cùng giới thiệu Đại tướng là nhà báo thì Quang Thái mới mở lòng trò chuyện.

Sau “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”, Đại tướng và Quang Thái còn tình cờ gặp nhau tại thành nội Huế… Qua thời gian cùng hoạt động trên một chiến tuyến, từ buổi đầu mến mộ, cảm phục cô gái nhỏ nhưng kiên cường, Đại tướng đã để dạ nhớ nhung. Nhưng Quang Thái chưa đáp lại tình cảm của anh, bởi lúc này cô còn canh cánh bên lòng một nỗi lo lắng cho chị Minh Khai mới thoát ly gia đình lên đường cứu nước.

Năm 1931, Đại tướng bị bắt giam vào nhà lao Thừa Phủ vì tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Anh có ngờ đâu, cô nữ sinh Quang Thái cũng bị bắt vào đây cùng lượt với mình. Những ngày ở trong tù, tình cảm của Đại tướng dành cho Quang Thái cứ lớn dần lên, bởi khí phách hơn người của cô gái nhỏ lan rộng khắp nhà giam.

Những bài thơ của Quang Thái nêu bật tinh thần quật cường của những người tù cách mạng được anh em trong nhà ngục chuyền tay nhau chép lại. Cuối năm 1931, Đại tướng được trả tự do với điều kiện phải về quê và bị quản thúc. Quang Thái cũng được thả ra cùng đợt. Từ đó, hai người bắt đầu thư từ qua lại với nhau, Quang Thái cũng dần cảm phục sự thông minh nhưng nhẹ nhàng điềm đạm của Đại tướng.

Tình yêu nở hoa rực rỡ dù trong mưa bom lửa đạn. Nhưng mãi đến 4 năm sau, hôn lễ hai người mới được cử hành, mà đó là một lễ cưới “chạy tang”. Năm ấy, bà ngoại Quang Thái đột nhiên ngã bệnh. Cha mẹ Quang Thái một mặt lo chữa chạy cho cụ, một mặt hối thúc Đại tướng và chị Thái tiến hành đám cưới. Bởi bà ngoại đã quá già yếu, khó lòng qua khỏi.
Bà Nguyễn Thị Quang Thái – mối tình đầu của Đại tướng - và con gái Võ Hồng Anh
Bà Nguyễn Thị Quang Thái – mối tình đầu của Đại tướng - và con gái Võ Hồng Anh
Quang Thái không đồng ý, vì không muốn lễ cưới của mình vướng phải điều phiền lụy, nhưng cha mẹ một mực gây sức ép, chị đành nghe theo. Chị viết thư kể rõ sự tình cho Đại tướng, lúc này đang hoạt động tại Hà Nội, ở nhà cụ Đặng Thai Mai.

Nhận được thư, cụ Đặng Thai Mai và Đại tướng lập tức đón xe vào Vinh. Ngày 28.9.1935, lễ cưới vội vàng, giản tiện nhưng ấm áp yêu thương được diễn ra tại một căn nhà thuê ở phố Maréchal Foch, vì Đại tướng không có nhà ở Vinh, mà rước dâu về tận Quảng Bình quê anh thì xa quá. Năm ấy, Đại tướng 24 tuổi, chị Quang Thái vừa bước qua tuổi 20. Hôn lễ xong, Đại tướng đưa vợ về quê, giữa đường hay tin bà ngoại mất, anh chị lại phải trở vào.

Sau khi cưới, hai vợ chồng ra Hà Nội, thuê một căn nhà ở phố Đường Thành. Đại tướng đi dạy trường Thăng Long, bí mật lãnh đạo Đoàn thanh niên dân chủ trong trường. Chị Quang Thái đỗ ngành Y của Trường Bà đỡ Hà Nội. Nhưng sau chị bị đuổi học vì những hoạt động cách mạng trong giới học sinh, sinh viên. Cuộc sống của anh chị thanh đạm nhưng đầm ấm yên vui và tràn trề lý tưởng. Để tiện cho việc hoạt động cách mạng, anh chị không vội sinh con. Mãi đến mấy năm sau, chị Quang Thái mới sinh con gái đầu lòng đặt tên là Hồng Anh – chính là cố giáo sư Võ Hồng Anh sau này.
Đại tướng và con gái Võ Hồng Anh.
Đại tướng và con gái Võ Hồng Anh.
Chiều chia ly định mệnh

Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, đôi vợ chồng son đã cách xa để đáp lời sông núi, theo tiếng gọi của lý tưởng thiêng liêng. Năm 1939, địch truy lùng ráo riết các chiến sĩ cách mạng, Đại tướng buộc phải rút vào hoạt động bí mật và ngay sau đó được lệnh phải sang Trung Quốc gấp. Lý ra là cả hai cùng đi, nhưng do Hồng Anh quá nhỏ, nên chị Thái phải ở lại.

Đại tướng lòng dạ ngổn ngang, nhưng chị Thái động viên chồng: “Đây là thời cơ lớn, anh phải quyết tâm. Mẹ con em ở nơi này còn có đồng đội, đồng chí sẽ tự lo được cho nhau”. Đại tướng vững tâm phần nào và từ biệt vợ trẻ con thơ ra đi vì lý tưởng.

Nhưng ngờ đâu buổi chia ly hôm ấy, lại là buổi bên nhau cuối cùng của vị Đại tướng danh tiếng lẫy lừng và người vợ yêu hết mực kiên trung. Để đến hơn nửa thế kỷ sau, khi đã yên vui bên người vợ sau thảo hiền, Đại tướng vẫn không thể nào nguôi nỗi đau khi bất giác nhớ về mối tình đầu đẫm nước mắt. Sinh thời, Đại tướng đã có lần kể về buổi chia ly cuối cùng trong vô vàn đau xót:

“Một buổi chiều vào đầu tháng 5.1940, đến giờ đi dạy học, ra khỏi nhà một quãng, tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà nhỏ, biết còn lâu mới quay trở về đây, khi đó chắc có nhiều sự thay đổi rồi… Từ ngày ra Hà Nội hoạt động, tôi đã làm nghề dạy học ở trường Thăng Long. Năm giờ chiều, tan học. Tôi lững thững đi về phía hồ Tây như một người dạo mát. Tôi vừa đi vừa để ý nhìn trước, nhìn sau xem có mật thám theo dõi không. May sao, chiều hôm đó, không thấy bóng dáng bọn chúng.

Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi tôi gặp anh Hoàng Văn Thụ, các anh cũng đã cho biết là tôi sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Quang Thái cũng rất muốn đi hoạt động bí mật. Nhưng con chúng tôi chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được. Quang Thái hẹn khi nào gửi được con, sẽ đi sau.

Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Võ, tôi thấy Quang Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở một gốc cây vắng người. Quang Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với Quang Thái, ở lại giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi Hồng Anh để đi hoạt động bí mật.

Quang Thái nhắc tôi, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong hoạt động, gắng tìm cách cho nhà biết tin. Chúng tôi đang nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau: “Thầy có đi xe không?”. Tôi quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi. Tôi chia tay Quang Thái lên xe, không ngờ phút chia tay đó lại là phút vĩnh biệt”.

Năm 1942, trong một lần khám xét, bọn Pháp bắt ông Nguyễn Duy Trinh, bắt luôn chị Quang Thái. Chị bị kết án 16 năm tù. Trong nhà lao Hỏa Lò, Chị bị tra tấn dã man để truy tìm đồng chí Hoàng Văn Thụ nhưng chị cương quyết không khai. Năm 1943 – 1944, nhà lao bùng phát dịch thương hàn, sẵn có chút kiến thức ngành y thuở còn học Trường Bà đỡ Hà Nội, chị Thái đã chăm sóc cho rất nhiều bệnh nhân trong tù. Nhưng rồi, chính chị nhiễm bệnh và không thể qua khỏi. Năm 1944, chị Nguyễn Thị Quang Thái đã trút hơi thở cuối cùng khi tóc vẫn còn xanh, môi vẫn còn thắm đỏ.

Lúc chị Thái bị bắt, Đại tướng đã về nước theo chỉ thị của Bác Hồ. Nhưng anh ở tận khu căn cứ Cao – Bắc – Lạng, nên việc vợ bị giam trong ngục Hỏa Lò và qua đời anh không hề hay biết. Nhớ vợ, thương con vô vàn, nhưng do hoạt động bí mật nên lâu lâu anh mới được gửi về nhà những mẩu thư viết vội trên mảnh giấy gói thuốc lá khi có liên lạc trực tiếp. Anh đâu có biết, những dòng thư chứa chan tình yêu viết trên giấy thuốc lá mỏng mảnh đã liên tục gửi về địa chỉ một người đã mất.

Cho đến khi tham dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào tháng 4.1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nhận được tin dữ. Lúc này, đồng chí Trường Chinh ngỡ rằng người Đội trưởng Đội Tuyên truyền giải phóng quân Võ Nguyên Giáp đã biết tin nhà từ lâu nên mới mở lời an ủi. Không tin vào tai mình, Đại tướng hỏi lại đến 2 lần và bàng hoàng sang phòng bên, bỏ dở cuộc họp…

Kết quả của mối duyên tình ngắn ngủi ấy là cô con gái Hồng Anh mà sau đã trở thành giáo sư, tiến sĩ toán-lý, là người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý Việt Nam được tặng giải thưởng Kovalevskaia. Ngày giáo sư Võ Hồng Anh mất (năm 2009, thọ 70 tuổi), Đại tướng đang nằm trong bệnh viện, cứ nhấp nhổm hỏi cán bộ trong văn phòng Đại tướng là: “Ở nhà có việc gì không?”.

Mọi người lo lắng cho Đại tướng, nên không ai dám nói sự thật. Nhưng linh tính người cha khiến Đại tướng không yên, hỏi đi hỏi lại đến lần thứ 5, thì người nhà biết rằng không thể giấu được nữa đành báo tin dữ. Từ ngày giáo sư Võ Hồng Anh mất, sức khỏe của Đại tướng cũng sa sút hẳn đi.

Giờ thì Đại tướng đã về với Bác… đoàn tụ với người vợ liệt sĩ trung kiên, và đứa con gái ông hết mực yêu thương…
Hồng Ân (Dòng Đời) (Hồng Ân (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem