Như
Dân Việt đã đưa tin, ngày 8.10, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành
phố Hồ Chí Minh (HASCON) đã có đơn kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành
Trung ương Đảng về việc truy phong quân hàm Đại nguyên soái với Đại tướng Võ
Nguyên Giáp. Xung quanh vấn đề này, ngày 16.10, Dân Việt đã trao đổi với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (nguyên Ủy viên
Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn) và Thiếu tướng Lê Mã Lương
(nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).
Theo Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, việc truy phong quân hàm
Đại nguyên soái (hoặc Nguyên soái) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là rất xứng
đáng. Tuy nhiên, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng tỏ ra băn khoăn: “Bản thân tôi
đã từng khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nguyên soái của các Nguyên
soái. Tuy nhiên, việc truy phong quân hàm Đại nguyên soái với Đại tướng vào
thời điểm này là không còn cần thiết nữa bởi khi Đại tướng còn sống, nếu việc
phong quân hàm được thực hiện thì sẽ có ý nghĩa hơn. Còn vào thời điểm hiện
nay, nếu đề nghị, kiến nghị này không trở thành hiện thực có thể sẽ dẫn đến
những ý kiến khác nhau”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đồng bào, chiến sĩ dành cho tình cảm đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Trọng Nghị / VOV
Khi phóng viên Dân
Việt đặt câu hỏi: “Từng gắn bó trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong
nhiều chiến dịch và luôn coi Đại tướng như người Anh Cả, Trung tướng đã bao giờ
trò chuyện trực tiếp với Đại tướng về việc phong quân hàm Đại nguyên soái?”,
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cho biết: “Tôi chưa bao giờ nói trực tiếp với Đại
tướng, nhưng đã nói về vấn đề này rất nhiều lần với đồng đội và các tướng lĩnh
khác và họ cũng rất đồng tình”.
Trong khi đó, khi được hỏi về tiêu chí phong quân hàm
và ý nghĩa của quân hàm Đại nguyên soái (hoặc Nguyên soái), Thiếu tướng Lê Mã
Lương cho biết: “Quân hàm này do mỗi quốc gia đặt ra. Thông thường, khi người
sĩ quan chỉ huy khoảng 1 triệu quân nhân thì có thể phong quân hàm Nguyên soái.
Có những quốc gia còn gọi cấp bậc này là Thống tướng (như Myanmar-PV). Việc
phong quân hàm Nguyên soái khá phổ biến trên thế giới, như CHDCND Triều Tiên có
quân hàm Nguyên soái. Tuy nhiên, Việt Nam không có cấp bậc này”.
Đi sâu hơn vào vấn đề, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho
biết: “Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, đã có
nhiều người gợi ý, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không lưu ý về
chuyện này. Sau đó, cũng có nhiều người đề nghị phong quân hàm Nguyên soái đối
với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông vẫn còn sống, nhưng vì trong Luật Sĩ quan
dù đã sửa nhiều lần song không có cấp bậc Nguyên soái nên đề nghị vẫn chỉ dừng
ở đó”.
Nhận định về khả năng truy phong quân hàm Đại nguyên
soái (hoặc Nguyên soái) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Lê Mã Lương
đồng tình với quan điểm của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi cho rằng: “Tôi nghĩ
việc truy phong sẽ không thành và không còn cần thiết bởi Đại tướng đã đi vào
lịch sử, là Đại tướng của nhân dân, người Anh Cả trong quân đội. Việc phong
quân hàm với Đại tướng là rất xứng đáng, nhưng cần thực hiện khi Đại tướng còn
sống. Bây giờ, khi Đại tướng đã từ trần, vấn đề này không còn cần thiết nữa bởi
trên tất cả, cuộc đời, sự nghiệp và tinh thần của Đại tướng đã hòa vào lòng
dân, được mọi người dân Việt Nam cũng như bè bạn quốc tế tôn vinh”.
Cũng
trong ngày 16.10, trao đổi với Dân Việt
xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch HASCON chia sẻ: “Những cơ
sở trong việc kiến nghị truy phong quân hàm Đại nguyên soái đối với Đại tướng
Võ Nguyên Giáp mà HASCON đề nghị là rất đầy đủ, cụ thể”.
Ông Phúc nói thêm: “Với tư cách là một công dân nước
Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch hội, tôi thấy điều đó là hoàn toàn thỏa đáng
bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng được truy phong quân hàm Đại nguyên
soái. Đơn kiến nghị của chúng tôi không gửi tới cá nhân Tổng bí thư, Chủ tịch Nước hay Thủ tướng Chính phủ mà gửi tới Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương
Đảng. Quân đội ta chưa từng có chức danh Đại nguyên soái, nhưng nếu chưa có văn
bản quy định thì Đảng sẽ thực hiện và quyết định về vấn đề này”.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, ông chưa
nghiên cứu hay thống kê xem đã có tổ chức, cá nhân nào từng đề nghị, kiến nghị
phong quân hàm Đại nguyên soái hoặc Nguyên soái khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp
còn sống. “Theo quan điểm cá nhân của tôi, đây là lần đầu tiên, một tổ chức thể
hiện kiến nghị bằng văn bản cụ thể” - ông Phúc nói.
Bạn suy nghĩ thế nào về kiến nghị phong hàm cao hơn hàm đại tướng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
|
Đức Hiếu (Đức Hiếu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.