Môi trường sạch giúp đồng bào làm giàu

Thứ năm, ngày 01/11/2012 11:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Giữ vệ sinh môi trường không chỉ để có sức khoẻ tốt, mà còn là điều kiện giúp chúng tôi làm giàu" - chị Hà Thị Minh - nông dân bản Áng 3, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói vậy.
Bình luận 0

Càng phát triển càng nhiều rác thải

Xã Đông Sang là một vùng phát triển sản xuất hàng hoá nông sản và du lịch của huyện Mộc Châu. Chủ nhân của vùng đất này gồm 4 dân tộc Thái, Mông, Mường, Kinh. "Gần chục năm nay, kinh tế phát triển nhờ chúng tôi tham gia sản xuất rau, hoa quả tươi và dịch vụ du lịch. Người dân trong xã có cuộc sống ngày một tốt hơn. Rừng thông bản Áng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, không chỉ trong dịp lễ hội, mà còn trong cả những ngày nghỉ cuối tuần. Cùng với đó, dân bản cũng phải tăng cường hơn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bởi ngày càng có nhiều rác thải" - anh Nguyễn Văn Phúc ở bản Tự Nhiên, tâm sự.

img
Người dân bản Áng (xã Đông Sang) thường xuyên quét dọn, giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Theo anh Phúc thì môi trường ở các bản trong xã bây giờ luôn bị đe doạ bởi rác thải, nhất là những dịp lễ hội. Chỉ sau một đêm hội, bà con ở đây phải dọn rác đến mỏi tay. Vỏ chai, lon bia bán được nên bọn trẻ còn nhặt giúp; chứ các loại rác thải khác thì phải thu gom, chất đống và xử lý đúng quy trình, quy định nên vất vả lắm.

Theo anh Tuấn, sẽ chẳng du khách nào tin sản phẩm họ mua là sạch nếu họ nhìn thấy môi trường ở đây ô nhiễm.

Một điều mà người dân xã Đông Sang đều nhận thức được là cuộc sống càng phát triển thì lượng rác thải sẽ ngày càng nhiều hơn, không khí độc hại nhiều hơn và còn ảnh hưởng tới cả nguồn nước sinh hoạt cộng đồng. Ngay trong mỗi gia đình, số rác thải cũng mỗi ngày một lớn.

Bà Vi Thị Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sang cho biết: “Vấn đề vệ sinh môi trường đã được xã quan tâm triển khai trong nhiều năm nay qua các buổi tuyên truyền, vận động. Các hoạt động đã thường xuyên diễn ra như: Ra quân thu gom rác thải, hướng dẫn làm nhà vệ sinh đúng quy cách, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà, bảo vệ nguồn nước sạch. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã thu gom và xử lý hơn 40 tấn rác thải các loại”.

Giữ sạch môi trường để có nguồn thu

Chị Hà Thị Minh - dân bản Áng 3 tâm sự: Có ai muốn dọn dẹp rác nơi công cộng đâu. Nhưng nếu không tham gia dọn rác thì chính dân bản mình sẽ phải ngắm nhìn, hít thở ô nhiễm từ những thứ rác rưởi ấy. Mà bẩn, ô nhiễm quá cũng chẳng ai còn muốn đến với khu du lịch này nữa. Lúc đầu cũng có người ngại dọn dẹp, chẳng tham gia. Nhưng sau khi hiểu ra rằng dọn rác và làm sạch đẹp nơi công cộng là bảo vệ nguồn thu và môi trường sống của chính mình, nên bây giờ ai cũng có ý thức giữ vệ sinh chung. Giờ thì ai cũng biết là muốn làm giàu phải dẹp bỏ rác thải ô nhiễm...

“Hóa giải” thiếu nước sạch ở xã biên giới

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên), với tổng kinh phí đầu tư trên 16 tỷ đồng, đến nay xã Thanh Chăn đã đưa vào sử dụng 2 công trình cung cấp nước sạch là công trình Huổi Bẻ và Huổi Cưởm. Với tổng sức chứa 500m3, hai công trình này có thể đáp ứng nước sinh hoạt cho trên 1.200 hộ dân của 18 thôn bản. Thào Minh

Chỉ vào những vườn rau xanh ngắt, trải rộng dưới nắng, anh Phạm Đình Tuấn - dân bản Áng 2 bảo: “Cả cái xã Đông Sang này khá lên được là nhờ sản xuất hàng hoá nông sản nhất là làm rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm dịch vu du lịch. Vì vậy, giữ vệ sinh môi trường là một yếu tố quyết định tới thu nhập của chúng tôi. Nhà tôi không làm du lịch nhưng với hơn 1ha rau xanh này cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Vì thế, chúng tôi giữ vườn sạch sẽ còn để ngăn chặn các nguồn gây dịch bệnh. Sản phẩm sạch thì sẽ được nhiều người mua, giá cao hơn...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem