Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cà Mau, vùng đất nằm ở cực Nam Tổ quốc, từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nét đặc trưng văn hóa và con người chân thành, mến khách. Hệ sinh thái đa dạng cùng với sự khéo léo, sáng tạo của người dân địa phương đã tạo nên một nền văn hoá ẩm thực riêng biệt, khiến những du khách từng thưởng thức đều không khỏi vương vấn nhớ thương.
"Của ngon vật lạ" ở Cà Mau dường như là vô tận, đó là nhờ sự tồn tại song song của hai hệ sinh thái nước ngọt và ngập mặn, mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch hết sức phong phú.
Cá lẹp là loài cá có thân hình mỏng, được ngư dân đánh bắt bởi ruột sạch, rất thơm và béo. Loài cá đặc biệt này thường tập trung kiếm ăn ở tầng mặt nước vào ban đêm và lặn xuống nước sâu khi mắt trời lên.
Cá lẹp chứa nguồn protein tuyệt vời, giúp duy trì cơ bắp, các cơ quan và mạch máu khỏe mạnh. Cá cũng giàu iốt, một khoáng chất quan trọng giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn và hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, loài cá này cũng có rất nhiều axit béo giúp duy trì sức khỏe của não, ngăn ngừa lão hóa...
Cá lẹp vàng Cà Mau sau khi đánh bắt về sẽ được nhiều cơ sở thu mua, chế biến. Thông thường, cá lẹp tươi sẽ có giá khoảng 15.000 VND - 20.000 VND. Bên cạnh việc làm mắm, làm chả, khô mặn hay khô ướp thì cá lẹp vàng Cà Mau còn được ăn cùng rau mưng. Món cá lẹp vàng kẹp rau mưng cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó, món cá lẹp khô cũng được rất nhiều người chọn là đặc sản Cà Mau mua về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Cá nâu có màu vàng nhạt, phần thân tròn, dẹp, bụng to, đuôi nhỏ. Trên thân chúng còn có các đốm tròn màu nâu xếp đan xen nhau nhưng không đều, trông như họa tiết da beo. Các đốm này sẽ đậm ở lưng và nhạt dần về phía bụng. Cá nâu khá hiền lành nhưng trên lưng và dưới bụng chúng lại có nhiều gai nhọn , bên trong chứa nọc độc.
Nhiều người thích ăn cá nâu vì chúng ít xương, thịt nhiều, vị mềm dai vừa phải. Bên cạnh đó, thịt cũng ngọt và thơm chứ không tanh như các loại cá biển khác. Các bước làm sạch và chế biến cá nâu khá đơn giản, có thể làm thành rất nhiều món ăn thơm ngon. Tuy nhiên, hương vị đậm đà phong cách miền Tây nhất vẫn phải kể đến món cá nâu kho trái giác.
Trái giác hình tròn, nhỏ, mọc thành thành chùm. Trái khi còn non sẽ có màu xanh, vị chua và chát, chín thì có màu đen thẫm, vị ngọt xen lẫn chút chua thanh. Chính cái vị chua ấy đã khiến loại đặc sản ở vùng U Minh này được người dân Cà Mau yêu thích.
Vì cá nâu kho trái giác là món ăn dân dã nên du khách có thể ghé đến những nhà hàng chuyên món cơm quê để thưởng thức. Món này ngon nhất ở hương vị chua, mặn, ngọt đan xen một cách thanh tao, nhẹ nhàng, thơm dịu mùi đồng quê. Vị của trái giác hòa cùng sự ngọt béo của cá nâu là hương vị khiến thực khách khó quên. Các "tín đồ ẩm thực" nên gọi cơm trắng ăn cùng thì sẽ cảm nhận hương vị một cách chân thực và dân dã nhất. Thịt cá nâu thơm, ngọt, béo, nấu cùng trái giác có thêm vị chua chua nên càng lạ miệng. Để bữa ăn thêm hài hòa, hấp dẫn thì có thể gọi kèm một số món canh mát lành nấu từ rau cù nèo, mác, bông súng, bông điên điển, rau má, đọt muống, bông lục bình, hẹ nước Cà Mau.
Món ăn đặc sản ở Cà Mau: Thưởng thức cua cốm Cà Mau xứng danh sản vật phương Nam
Cua cốm Cà Mau là một trong những đặc sản nổi tiếng bậc nhất của miền đất Mũi, thường được người dân gọi là cua hai da. Dù cũng là một trong những loại cua biển nhưng cua cốm có hương vị đặc biệt thơm ngon. So với các loại khác như yếm vuông, y nhất, y nhì, y ba, gạch son thì cua cốm ngon và hiếm nhất.
Cua cốm thường rất chắc, bên trong không bị ốp, dù là thân hay càng cũng đầy thịt, gạch cua vàng và thơm, không có nước. Khi ăn, thực khách sẽ thấy phần gạch là ngon nhất, béo ngậy. Trước giai đoạn lột xác, cua cốm sẽ dự trữ chất dinh dưỡng vào phần gạch cua để nuôi dưỡng cơ thể những ngày chốn trong hang, không thể đi kiếm ăn.
Khi thưởng thức cua cốm thì ngoài gạch cua, lớp thịt dưới mai cua cũng là phần rất ngon. Lớp vỏ thứ hai mỏng và mềm nên thịt cua rất dễ bóc tách. Cua hấp vừa chín tới thì thịt sẽ chắc, dai, thơm và rất ngọt. Cua tươi sẽ có mùi thơm đặc trưng, hơi tanh nhẹ nhưng rất dễ chịu. Đặc biệt, màu sắc cua cốm cũng đẹp hơn các loại cua biển khác với phần vỏ đỏ đậm còn thịt thì trắng trẻo.
Món ăn đặc sản ở Cà Mau: Món ngon từ con đẻn chắc chắn sẽ mang đến trải nghiệm khám phá ẩm thực vô cùng độc đáo
Đẻn (hay còn gọi là đẹn, hèo) là một loài rắn biển nhỏ trên lưng có sọc đen, vảy cứng và lớp da nhám. Có 2 loại đẻn phổ biến tại nước ta: 1 là đẻn biển đuôi dẹp như mái chèo có nọc độc chết người, 2 là đẻn vuông thường sống trong khu vực nuôi tôm hay cá kèo. Đẻn vuông không có độc và thường tập trung ở Cà Mau.
Giống như đi săn cua, người ta thường bắt đẻn vào buổi tối, chuẩn nhất là lúc phơi đầm tôm. Đẻn có thể làm thành nhiều món khác nhau nhưng phổ biến nhất là nấu cháo.
Sau một ngày dài đánh bắt, dân địa phương thích ngồi lai rai với bạn bè húp món cháo đẻn nóng hôi hổi làm nóng cơ thể. Món ngon từ con đẻn Cà Mau nhìn chung khá dễ nấu, chỉ cần sơ chế theo cách thông thường rồi đem rút xương, nấu với gạo và đậu xanh, thêm chút hành tiêu là xong. Món ăn chỉ dân dã vậy thôi mà mang đến mỹ vị trần đời.
Món ăn đặc sản ở Cà Mau: Hẹ nước Cà Mau là loại rau mọc dại, hương vị rất riêng biệt và độc đáo
Hẹ nước Cà Mau là loài rau dại, mọc tự nhiên vào mùa nước lũ, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Chúng thường mọc ở đồng ruộng, kênh mương, vùng đầm nước và đất phèn quanh khu vực miền Tây nói chung và Cà Mau nói riêng.
Ai chưa biết sẽ thường bị nhầm lẫn hẹ nước Cà Mau với loại rau hẹ mọc trên cạn. Lá hẹ nước sẽ mềm, xốp, mọng nước và rất giòn, khi ăn cảm thấy vị ngọt thanh, dễ chịu. Còn hẹ trên cạn thì giống lá hành, khô và cứng hơn, thường được nêm nếm thêm trong các loại hủ tiếu, bánh canh hoặc nấu một số món ăn khác. Khi đến Cà Mau, nếu du khách nghe người dân gọi là lá hẹ thì có nghĩa đang nói tới loại hẹ nước đấy nhé.
Mỗi mùa nước nổi về, món rau hẹ luộc ăn cùng mắm sặc gần như có mặt trên tất cả mâm cơm gia đình của người Cà Mau. Món này làm rất đơn giản, mang rau hẹ đi luộc hoặc xào sơ qua đều được, rồi họ làm thêm một chén mắm sặc vừa ăn là đã có thể thưởng thức rồi. Mắm của miền Tây có hương vị riêng, chấm với hẹ nước Cà Mau sẽ càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Món này mà ăn cùng với cơm trắng là ngon hết bài, đúng chất một người miền Tây thực thụ.
Ốc len có kích thước khá nhỏ, vỏ ngoài không bóng bẩy, đẹp mắt như các loại ốc biển khác. Thế nhưng hương vị của ốc len thì không chê vào đâu được, đây là món quà mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho những mảnh đất Cà Mau.
Tuy có kích thước nhỏ nhưng hương vị của ốc len rất đặc biệt, thơm, ngọt và béo. Vì thế, ốc len có thể chế biến thành rất nhiều món ngon, nổi tiếng nhất là Ốc len xào dừa Cà Mau. Thịt ốc khi nấu chín sẽ chuyển từ màu đỏ thành màu xanh ngọc đẹp mắt. Ngoài ra, thịt ốc len cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như canxi, phốt pho cùng nhiều loại axit amin có lợi khác.
Món ốc len xào dừa được chế biến khá đơn giản. Sự đặc biệt nằm ở cách ăn vì con ốc đã được chặt đi phần đuôi. Ruột ốc len cũng khá nhỏ nên người ta không lễ ốc mà hút bằng miệng, ruột ốc sẽ trôi tuột ra. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các tín đồ sành ăn, món ốc len xào dừa Cà Mau hàn mát nên dễ kích ứng với những du khách có dạ dày yếu. Nếu tiêu hóa không tốt, ăn nhiều món này sẽ thường bị đi ngoài và khó chịu.
Món ăn đặc sản ở Cà Mau: Vọp nướng mỡ hành thơm ngon, đậm đà hương vị miền đất Mũi
Vọp là loài động vật nhuyễn thể, có phần thịt dai và ngọt rất hấp dẫn. Con vọp còn được người dân Cà Mau gọi là sò vọp hay sò sông. Vọp có hình dáng giống với sò, nghêu nhưng kích thước lớn gấp đôi hoặc gấp ba.
Thịt vọp nướng khá dày, có vị ngọt thanh tự nhiên, nướng lên sẽ săn lại nên ăn càng ngon. Khi nướng, người ta chỉ cần cho thêm mỡ hành, một chút nước mắm và rắc lên trên đậu phộng đập dập. Để thưởng thức món vọp nướng mỡ hành Cà Mau ngon nhất, du khách nên đến những quán tự phục vụ. Quán sẽ mang lên một bếp than hồng, đĩa vọp tươi cùng mỡ hành, nước mắm, đậu phộng. Khi đặt vọp lên bếp, chúng sẽ từ từ mở miệng ra.
Món vọp nướng mỡ hành Cà Mau thường được chấm với muối tiêu chanh, hương vị chua chua, béo béo, ngọt ngọt hòa quyện sẽ cực kỳ hấp dẫn. Thêm một chút đậu phộng bùi bùi càng khiến món này thêm phần bắt miệng. Một buổi tối mưa gió, được ngồi bên bếp than hồng, gọi một bàn đầy vọp nướng, Lươn um lá nhàu Cà Mau, rùa rang muối, cua rang me, ghẹ hấp thì còn gì hấp dẫn bằng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.