“Món ăn tinh thần” về bản

Thứ ba, ngày 21/06/2011 15:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Bà con Hà Nhì mình ở xa trung tâm, giao thông còn khó khăn nên quý cái báo lắm. Báo Nhân Dân, Điện Biên, Nông Thôn Ngày Nay... đã trở thành người bạn thân thiết của các bản".
Bình luận 0

Ông Mạ Gió Tư-Phó Chủ tịch HĐND xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên tâm sự.

"Ở mảnh đất địa đầu này, để những tờ báo, công văn, thư tín về đến xã rồi xuống bản, chúng tôi phải đi bộ cả ngày, có khi mưa lũ, sương mù, giao thông đình trệ thì anh em phải nghỉ lại giữa rừng. Song, khi thấy cán bộ, bà con háo hức đón nhận tờ báo, công văn mới, bao mệt nhọc như tiêu tan hết" - anh Hạ Tư, bưu tá xã Sín Thầu bộc bạch.

img
Trưởng bản Lý Ná Na cùng với nhà báo miền xuôi tại điểm trường cắm bản.

Quý trọng những điều báo “nói”

Anh Tư nói, mấy năm gần đây đời sống mọi mặt của người Hà Nhì được nâng lên. Nhiều hộ đã mua đài, ti vi màu, nhưng bà con vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho báo giấy. Báo về, mọi người chuyền tay nhau đọc, bàn luận sôi nổi.

Đích thân phó chủ tịch xã phụ trách mảng khuyến nông trực tiếp đôn đốc cán bộ Hội ND ghi chép những tin bài, vấn đề về nông thôn, nông nghiệp quan trọng để hướng dẫn cho bà con khi cần. Ai chưa thạo tiếng Kinh tập trung tại nhà trưởng bản để cán bộ văn hóa hoặc anh Tư - bưu tá đọc cho nghe các thông tin "của người miền xuôi". Bà con thích thú những vấn đề báo đăng, coi đó là quy chuẩn để đối chiếu với lời cán bộ phổ biến.

Ông Mạ Gió Tư -Phó Chủ tịch HĐND xã, là Trưởng bản Tá Miếu, kể rằng: Ngày bản mới thành lập được Nhà nước đầu tư xây dựng cho một bể nước với sức chứa hàng chục mét khối nước sạch do đường ống đưa về từ thượng nguồn nhưng không ai sử dụng.

Cán bộ xã rồi bộ đội biên phòng đến từng nhà vận động, giải thích tác hại của việc dùng nước suối trực tiếp để sinh hoạt, vận động bà con dùng nước bể... nhưng không thành. Cái lý của bà con là: "Đã bao đời nay, tổ tiên người Hà Nhì vẫn sống như vậy, có bị làm sao đâu".

Không nản lòng, Mạ Gió Tư vận động từ người thân của mình. Ông và các con thường xuyên rửa, vệ sinh bể, phát quang các bụi rậm để trừ muỗi theo cách bộ đội biên phòng hướng dẫn. Ông còn nhờ các cán bộ xã sưu tầm những bài viết trên báo về chủ đề nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe để đọc cho bà con nghe trong các buổi họp bản.

Mưa dầm thấm lâu, từ chỗ một vài người dẫn nước từ bể về dùng, dần dần tất cả dân bản chuyển sang dùng nước bể. Nhiều người trước đây kịch liệt phản đối, nay đến nhờ trưởng bản phổ biến cách mà báo nêu để làm vệ sinh môi trường quanh nhà.

Nổi tiếng nhờ báo

“Tá Miếu là bản nổi tiếng nhất xã Sín Thầu, công đầu phải kể đến báo chí”- Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, Pờ Dần Sinh nói.

Nếu tính tuổi, Tá Miếu, bản ở tận cùng phía tây Tổ quốc còn rất trẻ, bởi mới tách từ bản A Pa Chải năm 2002. Ban đầu bản chỉ có 24 hộ đều là người Hà Nhì. "Tuổi trẻ nhưng có sức vươn mãnh liệt" (Bí thư Sinh nói vậy), chỉ sau 5 năm, Tá Miếu đã trở thành điểm sáng ở địa phương trong công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Có lẽ do sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, là nơi mà một con gà gáy dân cả 3 nước Việt - Trung - Lào đều nghe thấy, nên dù giao thông còn trở ngại, nhưng bất cứ một sự thay đổi nào ở Tá Miếu đều nhanh chóng được báo chí phản ánh.

Nhờ báo chí, hơn ba chục hộ gia đình Hà Nhì ở bản ngã ba biên giới này đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp về vật chất và tinh thần từ miền xuôi, nhất là các em học sinh ở điểm trường cắm tại bản...

"Năm 2002, bản Tá Miếu thành lập, một nhà báo trung ương ở Hà Nội đã lội bộ vào tận nơi để thăm bà con, lấy tư liệu viết bài. Từ đó cho đến nay, có hàng chục đoàn nhà báo đến với bản. Điều chúng tôi vui nhất là thông tin về cuộc sống của bà con Hà Nhì ở Tá Miếu đã đến với nhân dân cả nước. Bà con Tá Miếu bảo, nhờ những bài báo tâm huyết mà mảnh đất địa đầu này trở nên gần gũi, thân quen hơn..." - Trưởng bản Tá Miếu Lý Ná Na tâm sự.

Hầu như bà con nào ở đây cũng có kỷ niệm về nhà báo. Nhiều gia đình để ở vị trí trang trọng trong nhà những tấm ảnh, quà mà các phóng viên đem từ dưới xuôi lên tặng. Ông Chang Vãng Sinh- "triệu phú bò" ở Tá Miếu kể: "Từ bàn tay trắng, nhờ những kiến thức do cán bộ, bộ đội biên phòng và báo chí cung cấp, mà gia đình tôi biết nuôi nhiều bò. Nhờ báo mà cách làm kinh tế của tôi được nhiều người biết đến, tôi được mời về xuôi dự các hội nghị điển hình, được nhận giấy khen, được giao lưu với bà con cả nước. Cả nhà tôi ai cũng quý nhà báo, hễ các nhà báo đến bản phải mời bằng được về nhà mình ăn cơm, uống rượu...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem