Môn Lịch sử không còn khô khan nhờ phương pháp học "quái chiêu" này

Hà My Thứ năm, ngày 24/10/2019 10:46 AM (GMT+7)
Cư dân mạng đồng loạt ủng hộ cách tiếp cận môn Lịch sử trực quan, sinh động và phát huy được tính sáng tạo của cô và trò Trường THPT FPT.
Bình luận 0

Mới đây, trên một trang mạng xã hội facebook về học đường với hơn 1 triệu người theo dõi đã xuất hiện một loạt hình ảnh trang báo chiến tranh với thiết kế phong cách cũ, thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Được biết, đây là hoạt động học tập môn Lịch sử của thầy và trò trường THPT FPT Hà Nội.

img

Đăng tải về phương pháp học Lịch sử mới nhận được sự thích thú của cư dân mạng.


Những trang báo bắt mắt này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của rất nhiều cư dân mạng, hàng loạt bình luận: "Ôi giá mà trường mình được học Lịch sử như thế này thì chắc chắn môn học sẽ rất hấp dẫn, bớt khô khan" ; "Trực quan sinh động như thế này thì sợ gì môn Sử nữa nhỉ, không thuộc bài mới lạ"... là nhưng bình luận tích cực của cư dân mạng dành cho phương pháp học tập môn Sử bằng cách tái hiện lại hình ảnh các tờ báo thời chiến. 

Hàng loạt các trang báo nổi tiếng như: Saigon News; Báo Tân thời: LSVN News: The World News: The Algerian Times; The Boy Post... Hình thức thể hiện phong phú từ chuỗi báo giấy chính thống; tạp chí; đến poster cổ động... đều xuất hiên. 

img

Hàng loạt các đầu báo lớn thời chiến được tái hiện.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Ngọc - giáo viên dạy môn Lịch sử THPT FPT Hà Nội cho biết đây là hoạt động bài tập nhóm môn Lịch sử do cô giao cho các bạn lớp 11 trong trường thực hiện. “Lịch sử là môn học không thể tiếp nhận dễ dàng bằng phương pháp chỉ giảng - chép thông thường, học sinh thời nay có đủ sáng tạo và thông minh để tiếp thu bài học theo một phương thức mới sinh động hơn. Mình muốn các bạn là một phần của lịch sử thay vì đọc qua sách thôi, nên mục đích mình nghĩ ra ý tưởng này là để các bạn hiểu sâu, nhớ lâu về 2 cuộc chiến tranh thế giới.” - Cô Ngọc cho hay.

img

img

Những trang báo được các em học sinh thiết kế đẹp mắt.

Được biết, nhóm học sinh được giao bài tập sẽ tự "biến mình" trở thành các nhà báo thời chiến tranh, lần lượt có mặt trong 2 cuộc chiến tranh thế giới để từ đó đưa ra "sản phẩm" của mình là các trang báo. Điều đáng chú ý là bản thân các em sẽ được tự nghiên cứu tài liệu, phim ảnh để đưa ra quan điểm của mình bằng cách tường thuật.

"Bản thân tôi cũng phải trầm trồ bởi những suy nghĩ đa chiều của các bạn. Cuộc chiến tranh thế giới đâu chỉ toàn bạo lực, vũ khí, phi nghĩa mà còn rất nhiều câu chuyện nhân văn xung quanh nó" - Cô Thanh Ngọc chia sẻ.

img

Cách tiếp cận sáng tạo các kiến thức tưởng như "khô khan" của cô, trò trường THPT FPT được nhiều người hưởng ứng.

Em Trần Ngọc Minh, học sinh 11A1 được tham gia làm bài tập nhóm háo hức bày tỏ: Điều khó khăn nhất để có tờ báo chất lượng là sự phối hợp của các thành viên hay còn gọi là làm việc nhóm.

"Dù là viết bài cá nhân nhưng bọn em cũng vẫn phải thống nhất một số khía cạnh để nội dung tờ báo được nhất quán như: Mình chọn khai thác tính nhân văn qua các câu chuyện ngoài lề; hay bàn đến lợi ích của các quốc gia hay lên án tính phi nghĩa của cuộc chiến. Có tranh luận, phản biện nên quá trình làm việc nhóm trở nên công bằng với các thành viên, từ đó em và các bạn hiểu được gốc rễ vấn đề và nhớ bài rất sâu và lâu", Minh chia sẻ.

Minh cũng nói thêm, mỗi nhóm sẽ được vận hành như một "tòa soạn" thu nhỏ, 1 bạn "đóng vai" tổng biên tập là người điều hành, còn lại các cá nhân sẽ như các phóng viên, tìm kiếm tài liệu, thiết kế trang báo...

Việc học Lịch sử bằng cách tự tái hiện lại quá khứ bằng góc nhìn thứ nhất này của cô và trò trường THPT FPT được nhiều người ủng hộ và cho rằng đây là cách tiếp cận hiện đại, sáng tạo nhằm khơi gợi nên niềm thích thú của người trẻ đối với môn học Lịch sử, vốn được cho là môn học khá khô khan và khó hấp dẫn giới trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem