Môn tích hợp đang gây khó cho giáo viên, Bộ GDĐT có chỉ đạo mới

Tào Nga Thứ ba, ngày 24/10/2023 19:21 PM (GMT+7)
Bộ GDĐT vừa có văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Bình luận 0

Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các Sở GDĐT hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong việc dạy môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Lý, Hóa, Sinh), Lịch sử và Địa lý. Theo hướng dẫn, các trường ưu tiên dạy môn Khoa học tự nhiên theo mạch chương trình, còn Lịch sử và Địa lý dạy đồng thời trong học kỳ. 

Cụ thể, môn Khoa học tự nhiên có bốn mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái đất và bầu trời. Bộ đề nghị các trường phân công giáo viên giảng dạy có chuyên môn phù hợp với nội dung. Thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với các giáo viên khác để kiểm tra, đánh giá và thống nhất điểm số của học sinh. Việc để giáo viên dạy từ hai mạch nội dung trở lên hoặc toàn bộ môn phải thực hiện từng bước, đảm bảo về chuyên môn.

Bộ lưu ý các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo mạch nội dung, linh hoạt để xếp thời khóa biểu một cách khoa học, đảm bảo tính sư phạm và khả năng thực hiện của thầy cô.

Môn tích hợp đang gây khó cho giáo viên, Bộ GDĐT có chỉ đạo mới - Ảnh 1.

Lớp học tại Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: FBNT

Với môn Lịch sử và Địa lý, các trường có thể bố trí dạy hai phân môn đồng thời. Việc kiểm tra, đánh giá cũng theo từng phân môn.

Ngoài ra, với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trường phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp với từng nội dung, ưu tiên giáo viên phụ trách theo từng chủ đề.

Ví dụ, đối với các chủ đề hoạt động hướng tới tự nhiên, giáo viên Địa lý sẽ có ưu thế trong việc giúp học sinh tìm hiểu, huy động các kiến thức và kỹ năng về bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Giáo viên Công nghệ có ưu thế ở chủ đề hướng nghiệp, giúp học sinh tìm hiểu kiến thức về trang thiết bị, dụng cụ lao động và các kỹ năng an toàn.

Quá trình trải nghiệm có thể là hoạt động của cá nhân, nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn, ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường, tùy theo nội dung và tính chất của hoạt động.

Theo tiến trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm học 2021- 2022, Chương trình được thực hiện với lớp 6 với sự xuất hiện của các môn tích hợp. Học sinh THCS không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Xuất phát từ việc thiếu giáo viên; giáo viên hiện có chỉ được đào tạo đơn môn, chưa có giáo viên được đào tạo liên môn; thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng, dụng cụ dạy học..., các môn tích hợp được xác định là môn học khó khăn nhất, rắc rối nhất, điểm nghẽn lớn nhất trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem