Mong xử lý nghiêm để Thủ đô không bị “băm nát”
(Xung quanh nhận xét của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về quy hoạch thủ đô)
Tôi rất ấn tượng với nhận xét của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, rằng “Quy hoạch thủ đô đã bị băm nát”. Không thế thì sao chỉ có gần 3km đường Tố Hữu mà có đến 40 chung cư, mỗi chung cư mấy chục tầng khiến nơi đây trở thành điểm đen ùn tắc giao thông? Không thế thì sao Linh Đàm vốn là khu đô thị kiểu mẫu, kiến trúc không gian tuyệt đẹp nay ngẹt thở bởi hàng loạt chung cư chen chúc nhau?... Những vấn đề này lâu nay người dân Hà Nội bức xúc lắm rồi. Ai đã “băm nát quy hoạch Hà Nội”? Mong cơ quan điều tra vào cuộc làm sáng tỏ để xử lý nghiêm.
Bạn đọc Nguyễn Viết Dần (Khu đô thị Xa La, Hà Nội)
Hà Nội có những khu đất 5-7ha cũng bị băm ra cho 2-3 chủ đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà
Nên có chế tài để tăng tính khả thi
(Xung quanh quy định nghiêm cấm biếu tặng quà tết)
Đảng, Nhà nước từng có nhiều chỉ thị ngăn cấm tình trạng sử dụng công quỹ để biếu xén quà cáp trong các dịp tết. Nhưng cá nhân tôi thấy, từ đó đến nay chưa có một báo cáo nào đánh giá việc thực hiện ra sao, và cũng chưa ai bị xử lý. Mà cũng khó xử lý bởi xử lý thế nào, cơ quan nào có thẩm quyền xử lý thì chỉ thị không quy định. Dưới góc nhìn pháp lý, tôi cho rằng nếu chỉ nghiêm cấm mà không có chế tài thì khó khả thi. Nhưng lần này không văn bản, bằng thái độ thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “các địa phương không về Hà Nội chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Ở các địa phương cũng vậy. Chính phủ phải làm gương”. Nhưng nếu chỉ khơi dậy tự giác thôi thì chưa đủ mà cần phải có công cụ để thực hiện thì quyết tâm của Thủ tướng mới thành hiện thực”.
Luật sư Vũ Viết Năng (Văn phòng Luật sư Hưng Giang, Hà Nội)
Quy hoạch công nghiệp phải tính đến an ninh lương thực
(Xung quanh bài viết “Người nghèo ngóng gạo cứu đói”)
Tôi thắt lòng khi đọc những thông tin về người nghèo ngóng gạo cứu đói đăng trên báo NTNN. Ngoài nguyên nhân đói do thiên tai, còn có một nguyên nhân mà chính ông Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam chỉ ra là “do diện tích đất nông nghiệp bị mất hết”. Thu hồi đất để làm công nghiệp mà không tính đến an ninh lương thực, không tạo được việc làm cho người lao động dẫn đến để dân đói là tội của lãnh đạo địa phương. Họ có xứng đáng với niềm tin của dân không?
Bạn đọc Trần Đăng Tuynh (Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh)
Tín hiệu vui với “Hội nghị Diên Hồng” về nông nghiệp
(Về sự kiện hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho ngành nông nghiệp)
Có lẽ lần đầu tiên chúng ta có một “Hội nghị Diên Hồng” về nông nghiệp, hội tụ hơn 100 nhà khoa học lão thành và có cống hiến lâu năm trong ngành nông nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nông dân. Hội nghị đã nhận được nhiều hiến kế của các nhà khoa học, với những ý kiến đó chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhưng nông dân còn cần hơn thế nữa, đó là sự đổi mới về cơ chế, chính sách trong nông nghiệp để tạo nên một sự đột phá như “khoán 10”.
Bạn đọc Phạm Văn Sinh (Hải Hậu, Nam Định)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.