Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Từ Thị Thoa, giáo viên môn Lịch sử tại Trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, bản thân thực sự đau tim khi chứng kiến cảnh bạo lực học đường. Cô Thoa cho rằng, không phải học sinh vô cảm, thờ ơ khi đứng xem các bạn đánh nhau mà do các em chưa được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý và khả năng giải quyết tình huống. Có thể do các em sợ bị liên lụy. Nếu giáo dục đồng bộ và toàn diện được thì xã hội sẽ thay đổi tích cực, tất cả mọi người được sống trong yêu thương và hòa bình.
Theo cô Thoa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là do môi trường gia đình. Bố mẹ là những người ảnh hưởng, quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách, định hướng sống của con. Việc cha mẹ thiếu quan tâm, hỏi han con mỗi ngày, không có sự thấu hiểu, chia sẻ, tháo gỡ những tâm tư, những hành vi cha mẹ đối xử với nhau khiến con trẻ bắt chước. Lý do thứ hai là do các em tiếp xúc với game bạo lực, những thay đổi về tâm sinh lý tuổi mới lớn, thích thể hiện nên gặp một chút hiềm khích là sẵn sàng tạo ra cuộc chiến.
Cô Thoa nhấn mạnh, rất cần tăng cường an ninh trường học với các giải pháp như kết hợp cả máy móc và con người. Nhà trường bố trí camera ở các phòng học, hành lang, sân trường và cả những góc khuất sau trường. Ban an ninh và tổ giáo vụ phối hợp giáo viên hoặc Đoàn thanh niên để có những lần kiểm tra đột xuất cặp sách của học sinh, đi tuần tra các giờ ra chơi.
Ngoài 2 việc nêu trên, giáo viên và nhà trường có những biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh về hành động, hậu quả của hành động bạo lực, lồng ghép các tiết học hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện. Như vậy, sẽ trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè, phát hiện các diễn biến tư tưởng của học sinh, định hướng tâm lý cho học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phát huy tốt vai trò của Ban tư vấn tâm lý học đường, hướng học sinh mạnh dạn tìm đến và chia sẻ với các thầy cô để được tham vấn xử lý các vấn đề khúc mắc của các em.
Thầy Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên dạy Giáo dục Kinh tế và Pháp luật tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng nêu quan điểm: "Tôi cảm thấy rất buồn và thất vọng trước những hành động thờ ơ hoặc cổ vũ của các em khi chứng kiến bạo lực học đường. Các em không chỉ làm tổn thương nạn nhân mà còn cổ xúy cho hành vi sai trái, khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả giới trẻ đều vô cảm nhưng có một bộ phận thờ ơ trước bạo lực học đường vì thiếu kỹ năng đồng cảm, tâm lý sợ liên lụy hoặc bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Đặc biệt là mạng xã hội, nơi bạo lực đôi khi được xem nhẹ hoặc thậm chí cổ vũ".
Thầy Quyết cho rằng rất cần tăng cường an ninh giúp ngăn chặn bạo lực, đảm bảo an toàn cho học sinh, đồng thời xây dựng ý thức tuân thủ nội quy và trách nhiệm xã hội trong môi trường giáo dục.
Theo thầy Quyết, nguyên nhân của bạo lực học đường chính là sự thiếu quan tâm, giáo dục từ gia đình và nhà trường, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội và việc thiếu chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực. Chúng ta cần giáo dục kỹ năng sống và lòng đồng cảm cho học sinh từ sớm, tăng cường phối hợp giữa gia đình và nhà trường, xử lý nghiêm các hành vi sai trái, đồng thời tạo môi trường giáo dục tích cực, an toàn để học sinh tự tin lên tiếng bảo vệ lẽ phải.
Cũng liên quan đến bạo lực học đường, mới đây, thầy Quyết trở thành người trẻ nhất nhận giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo 2024 của Hà Nội. Thầy đã có công trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên gắn với chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Công trình này đã đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố Hà Nội và được thành đoàn Hà Nội trao tặng là Công trình thanh niên tiêu biểu năm 2024.
Bạo lực học đường: Rất cần thiết tăng cường an ninh trường học
Là giáo viên dạy Văn tại Hệ thống Trường IVS ở Hà Nội, Bắc Ninh và TP.HCM - ngôi trường của rất nhiều học sinh cá biệt - thầy Trịnh Phú Sơn cũng khẳng định: "Chúng ta không thể kết luận tất cả những hành vi không can ngăn của học sinh khi chứng kiến bạn đánh nhau là vô cảm. Có thể hiểu vô cảm là một loại cảm xúc của con người với đặc trưng thờ ơ, không quan tâm với các sự kiện và vấn đề xung quanh, đặc biệt là những vấn đề gây tổn hại về thể chất hoặc tinh thần cho con người. Đôi khi các em không ngăn cản bởi do một mối liên quan nào đó hoặc do tâm lý sợ bị trả thù hoặc dính líu vào những việc mình không muốn".
"Khi xem những hành vi bạo lực học đường rồi có em đứng nhìn, cổ vũ, tôi rất buồn. Toàn thể ngành giáo dục và xã hội luôn muốn hướng học sinh tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống nhưng bên cạnh đó những hành vi lệch lạc về đạo đức này vẫn tồn tại và trở thành điều đáng lo ngại trong giới trẻ.
Thầy Sơn cho rằng, có 2 loại bạo lực học đường là lời nói và thân thể. Trong quá trình 10 năm đứng lớp, bản thân thầy Sơn cũng chứng kiến học sinh đánh nhau, có khi là hai bạn và đôi lúc cũng là một nhóm học sinh. Việc đánh nhau diễn ra cả trong và bên ngoài trường học.
"Những năm gần đây, vấn đề ý thức nền tảng của giới trẻ bị thay đổi quá nhiều, khi việc xử dụng các thiết bị các nền tảng mạng xã hội một cách không kiểm soát về nội dung. Đôi khi trên mạng xã hội có 1 hành vi vi phạm pháp luật hay 1 video chưa chuẩn mực lại rất được các em thích thú xem. Nhiều em làm bạn với điện thoại, chạy theo phong cách sống tách biệt dần trở nên vô cảm. Sự kết nối giữa những đứa trẻ trở nên mong manh dễ xảy ra tình trạng bạo lực học đường và có em không can ngăn mà lại đứng nhìn, cổ vũ bạn đánh nhau.
Do vậy, rất cần thiết tăng cường an ninh trường học nhưng vấn đề chúng ta sẽ làm thế nào để thực hiện hiệu quả? Giáo viên cần nắm vững tâm lý lứa tuổi và đặc điểm vùng miền nơi mà mình giảng dạy; Phân loại đối tượng học sinh để làm công tác tâm lý ngay từ khi chưa xảy ra sự việc. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động kết nối thành viên trong lớp và xây dựng đội ngũ nòng cốt lớp hiệu quả vì chính các em là người phát hiện vấn đề từ khi nó mới nhen nhóm", thầy Sơn cho biết.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: "Học sinh chành chọe, đấm đá nhau thì đời nào cũng có nhưng hiện nay chúng ta phải lên án hành vi bạo lực trở nên nguy hiểm, không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó là sự vô cảm là những em không bảo vệ bạn mà còn a dua, đứng xem cổ vũ hai bên đánh nhau, quay phim, chụp ảnh. Điều này không những mất an toàn trong trường học mà học sinh không nhận thức đúng về đạo đức, xã hội, pháp luật. Chúng ta phải thấy được hết những hậu quả để có những quyết tâm ngăn chặn".
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng bạo lực học đường phải giải quyết thấu đáo, thường xuyên, đẩy mạnh thành chương trình giáo dục thường xuyên trong trường. Việc nhắc nhở các em phải nói đi nói lại bởi nhiều lúc nói xong các em lại quên đi mà hành động theo bản năng, không theo pháp luật.
"Giáo dục trong nhà trường rất quan trọng, phải là từ mầm non, tiểu học. Các em cần được giáo dục văn hóa học đường, kỹ năng sống để biết yêu thương, tôn trọng, tha thứ và có kỹ năng hòa giải, đàm phán, ra quyết định đúng đắn để làm", TS Tùng Lâm cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.