Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện 6 – 10 triệu căn hộ cho các đối tượng an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030.
Tập đoàn APEC cho rằng, cần lập quy hoạch các đại đô thị nhà ở xã hội có quy mô lớn. Cụ thể, TP.HCM, TP Hà Nội, mỗi địa phương cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000 ha để làm nhà ở xã hội diện tích từ 50 - 300ha/khu đô thị. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha đến 20.000 ha để làm nhà ở xã hội.
Về mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, Tập đoàn APEC kiến nghị đặt mục tiêu phát triển 10 triệu căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó từ 2021 - 2025 hoàn thành 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 6 triệu căn hộ.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tiên phong đầu tư các khu nhà ở xã hội thành những khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao hoặc tốt hơn nữa là có thể đầu tư lên thành các "Khu đô thị nhà ở an sinh xã hội 5 sao" với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, thông minh, tiện ích như: công viên, bể bơi, hồ điều hòa, vườn hoa chủ đề, đường riêng cho xe đạp, quảng trường, phố đi bộ, trung tâm thương mại, khu thể thao văn hóa đa năng, trường liên cấp, vườn giáo dục, trung tâm y tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý vận hành chuyên nghiệp…
Các sản phẩm căn hộ nhà ở xã hội có diện tích căn hộ từ 25 - 70m2/căn. Giá bán tại Hà Nội và TP.HCM khoảng 13 - 16 triệu đồng/m2, các thành phố còn lại khoảng 9 - 14 triệu đồng/m2. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm.
Tách nhà ở xã hội ra khỏi nhóm kinh doanh bất động sản
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn APEC cho biết, giúp mọi người dân có nhà để ở, "vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà các doanh nghiệp bất động sản cần ưu tiên. Với mong muốn trở thành doanh nghiệp tiên phong tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, Tập đoàn APEC đã có văn bản nêu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Huy, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, dễ dàng triển khai dự án.
Chính phủ và chính quyền địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng nguồn tài chính ứng trước của nhà đầu tư. Và nhà đầu tư sẽ nhận hoàn lại tiền bằng hình thức đối trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân...
Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn APEC Nguyễn Quang Huy cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định để tách nhà ở xã hội ra khỏi nhóm kinh doanh bất động sản. Vì nhà ở xã hội là nhóm ngành có mức độ rủi ro thấp, nhu cầu lớn, không là nguyên nhân gây bong bóng bất động sản.
"Thực tế phải coi nhà ở xã hội như một ngành đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội. Chính sách này sẽ nâng hạn mức tín dụng cho vay, từ đó các ngân hàng thương mại sẽ có các chính sách ưu tiên về nguồn vốn vay và chính sách lãi suất hấp dẫn cho cả nhà phát triển nhà ở xã hội cũng như các đối tượng để mua nhà", ông Huy cho hay.
Bên cạnh đó, ông Huy cũng đề nghị, Chính phủ nên xem xét tạo cơ chế cho phép các tỉnh, thành phố được ưu tiên một phần vốn ngân sách của địa phương để cấp bù lãi suất cho vay thương mại mua nhà ở xã hội xuống mức 3 - 4% giúp tăng giá trị đồng vốn và tạo nguồn lực cho mua nhà ở xã hội. Mặc dù đây không phải là chính sách tiên quyết nhưng khi có chính sách này cũng sẽ thúc đẩy cho sự phát triển của nhà ở xã hội.
Để tạo động lực thu hút nguồn vốn xã hội và phát triển, Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội có thể IPO ngay trên thị trường chứng khoán để tận dụng nguồn vốn của xã hội. Cơ chế này tương tự như với loại hình doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tạo các diễn đàn, hội nghị để hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp tiếp xúc và làm việc cùng các định chế tài chính trong và ngoài nước như Ngân hàng Chính sách Xã hội, Worldbank, IFC... để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho phát triển (dưới 3%/năm).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.