Một doanh nghiệp Việt chế tạo và xuất khẩu máy bay không người lái sang Mỹ

Đông Anh Thứ tư, ngày 19/10/2022 17:58 PM (GMT+7)
Ông Lương Việt Quốc – Giám đốc Công ty Real-time Robotics (RtR) – cho biết, 3 chiếc máy bay không người lái (drone) đã được RtR nghiên cứu, chế tạo thành công và đã được xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 9/2022 vừa qua.
Bình luận 0

Thật vậy, ông Lương Việt Quốc và đội ngũ kỹ sư của RtR đã nghiên cứu ra thiết bị máy bay không người lái HERA. Đây là loại drone rất nhỏ gọn, sử dụng tiện lợi trong công tác quân sự, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… HERA có công suất quét tìm gấp đôi, mang tải nặng, thả đồ tiếp tế, phao cứu sinh ngay khi tìm thấy nạn nhân, thay vì phải đợi lực lượng cứu hộ tìm được vị trí.

HERA có thể bỏ vào trong ba lô để một người mang, nhưng lại có thể nâng được tải lên đến 33 pounds (15kg). Hơn thế nữa, HERA còn có thể mang được 4 tải cùng lúc, với mỗi tải có tầm quan sát 360 độ, đảm bảo sự minh bạch và an ninh dữ liệu…

Một doanh nghiệp Việt chế tạo và xuất khẩu máy bay không người lái sang Mỹ - Ảnh 1.

Ông Lương Việt Quốc bên một chiếc máy bay không người lái HERA do Công ty RtR chế tạo tại Việt Nam. Ảnh: Đông Anh

Tất cả các vật liệu làm từ cacbon của HERA đều do kỹ sư của RtR tự thiết kế và chế tạo. Ví dụ như cánh tay, các cơ cấu để khóa HERA, các thiết kế bo mạch, phần mềm…

HERA được RtR thiết kế và chế tạo chiếm tỷ lệ 90%. Một số linh kiện, chi tiết quan trọng bắt buộc phải nhập khẩu. Theo ông Lương Việt Quốc, HERA rất thích hợp với nhiều công việc đặc thù ở Việt Nam. Thí dụ như việc kiểm định đường điện cao thế hoàn toàn tự động, tại các trụ điện của đường dây 500kV.

Trước đây để kiểm định đường điện cao thế, định kỳ ngành điện lực phải cử nhân viên đi tuần tra các đường điện 500kV và 220kV để kiểm tra nứt vỡ, sét đánh, rỉ sét… Trước khi áp dụng drone, mọi việc được thực hiện bằng cách thủ công. Người công nhân phải leo lên từng trụ điện kiểm tra, soi xét.

Một doanh nghiệp Việt chế tạo và xuất khẩu máy bay không người lái sang Mỹ - Ảnh 2.

Kỹ sư RtR đang lắp ráp máy bay không người lái tại Công ty RtR. Ảnh: Đông Anh

RtR đang nghiên cứu, phát triển giải pháp tự động hóa hoàn toàn để HERA bay tới trụ có thể nhận biết những điểm nào cần chụp. Sau đó, có thể dựa vào các thuật toán để tìm ra lỗi xảy ra trên đường dây, trụ điện…

Ngoài HERA, bước đầu xuất khẩu thành công sang Mỹ, RtR đang phát triển các dòng drone tối ưu, nhằm phục vụ cho ngành nông nghiệp trong nước. Thí dụ, một dòng drone giúp phát hiện sâu, bệnh; một dòng hỗ trợ phun thuốc, bổ sung dinh dưỡng cây trồng… Hai dòng drone này sẽ giải quyết được vấn đề an ninh thông tin, khi tất cả dữ liệu quan trọng như diện tích gieo trồng, thông tin dịch bệnh,… đều được lưu trữ tại Việt Nam thay vì chuyển về máy chủ ở nước ngoài như những dòng drone nhập khác.

RtR cũng cam kết chi phí vận hành của dòng drone này thấp hơn so với các dòng drone của Trung Quốc, giúp người nông dân tiết kiệm trung bình 70 – 100 triệu đồng chi phí vận hành mỗi năm.

Một doanh nghiệp Việt chế tạo và xuất khẩu máy bay không người lái sang Mỹ - Ảnh 4.

90% linh kiện, chi tiết trên chiếc máy bay không người lái được Công ty RtR nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: Đông Anh

Được biết, RtR do ông Lương Việt Quốc sáng lập từ năm 2017, có trụ sở tại Việt Nam và chi nhánh ở San Francisco (Mỹ). Ông Quốc là người Việt đầu tiên được cấp giấy phép sản xuất máy bay không người lái.

Hiện năng lực của RtR có thể sản xuất khoảng 1.000 drone/năm. Công ty đang rốt ráo hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong Khu công nghệ cao TP.HCM vào cuối năm nay. Dự kiến, với nhà xưởng mới công ty sẽ tăng được 10 – 20 lần năng suất hiện tại. Dự kiến vào 2023, khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần đi vào ổn định, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm.

Ông Lương Việt Quốc nói: "Bán qua Mỹ khó, nhưng cũng có nhiều cách để bán. Giá của HERA hiện tại khoảng 25.000 – 30.000 USD/chiếc, cao hơn 20 – 30% so với thị trường; nhưng lại có được sự nhỏ gọn cùng khả năng mang tải độc nhất, và các khách hàng ở Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn để có được sự ưu việt này".

Một doanh nghiệp Việt chế tạo và xuất khẩu máy bay không người lái sang Mỹ - Ảnh 6.

Tại Công ty RtR, hiện có khoảng 50 kỹ sư chuyên về chế tạo máy bay không người lái. Ảnh: Đông Anh

Ông Lương Việt Quốc là người TP.HCM. Năm 2002, ông Quốc là 1 trong 26 sinh viên nhận được học bổng sau đại học của Đại học Fullbright (Mỹ). Sau khi lấy được bằng tiến sĩ ở Mỹ, ông Quốc trở về Việt Nam thành lập doanh nghiệp và nghiên cứu chế tạo drone.

Ông Lương Việt Quốc chia sẻ: "Tôi mong nhà nước, các cấp chính quyền có nhiều chính sách ưu đãi lớn hơn cho các doanh nghiệp R&D so với những doanh nghiệp chỉ thực hiện sản xuất, lắp ráp. Đồng thời cũng cần đẩy nhanh tiến độ đào tạo, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư công nghệ phần mềm, thiết kế điện tử, cơ khí, hoá học, vật lý,… Các nước khác, điển hình như Trung Quốc đã làm rất tốt ở phần này".

Anh Quốc nhận định nguồn tài năng chất xám của người Việt hoàn toàn có thể sánh vai với các nước khác khi chúng ta có thể nghiên cứu, chế tạo và phát minh ra các sản phẩm có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới. Việt Nam cũng đang có những chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao, đặc biệt là ở khu công nghệ cao TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem