Một HTX ở Nam Định thu tiền tỷ nhờ trồng lúa, trồng hoa hòe, Giám đốc HTX chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số

Thu Hà Thứ hai, ngày 08/07/2024 14:30 PM (GMT+7)
HTX Dược thảo Hoàng Thành do anh Vũ Đình Kiên làm Giám đốc ở xã Trực Nội, Trực Ninh, tỉnh Nam Định đang trồng 50ha lúa và hoa hòe. Mỗi năm, sản lượng dược liệu hoa hòe của HTX đạt khoảng 5 tạ và cung ứng ra thị trường 400 tấn gạo các loại, HTX có doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

HTX ở Nam Định thu tiền tỷ nhờ trồng lúa, trồng hoa hòe

Phát biểu tại một hội thảo về chuyển đổi số do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, anh Vũ Đình Kiên- một nông dân trẻ ở xã Trực Nội, Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho biết: Anh có bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, đi làm ở Công ty với mức thu nhập khá so với mặt bằng chung. Song với mong muốn trở về cống hiến cho quê hương, anh mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Dược thảo Hoàng Thành chuyên trồng, nhân giống các loại cây thảo dược.

Một HTX ở Nam Định thu tiền tỷ nhờ trồng lúa, trồng hoa hòe, Giám đốc HTX chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số- Ảnh 1.

Anh Vũ Đình Kiên - Giám đốc HTX Dược thảo Hoàng Thành ở xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) tham luận trước Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định. Ảnh: Mai Chiến.

Ban đầu, HTX có 7 thành viên với tổng diện tích gieo cấy 20ha. Các hoạt động của HTX ban đầu gồm: sản xuất chế biến lúa gạo, trồng và sơ chế dược liệu hoa hòe, các dịch vụ nông nghiệp như: Dịch vụ gieo sạ và cấy lúa bằng máy; Phun thuốc bằng máy bay; Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp; Sấy thóc với lò sấy 20 tấn trên một mẻ sấy; Thu mua và tiêu thụ lúa gạo.

Đến nay, HTX đã phát triển được 14 thành viên với tổng diện tích trên 50ha. Cùng với tiếp tục các hoạt động dịch vụ trước đây, HTX đã mở thêm dịch vụ như: cung ứng lúa giống; cung ứng mạ khay...

"Chúng tôi đang sản xuất lúa gạo và xuất đi các tỉnh miền Bắc với số lượng từ 30 - 40 tấn/tháng. Sản lượng dược liệu hoa hòe đạt khoảng 5 tạ/năm và mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường 400 tấn gạo các loại, doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng", anh Kiên thông tin.

Hiện tại, HTX đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 - 10 lao động địa phương với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Vào thời vụ thu hoạch, số lượng lao động tăng lên khoảng 15 người.

Giám đốc HTX chia sẻ 4 thuận lợi, 4 khó khăn, 3 đề xuất khi tham gia chuyển đổi số nông nghiệp

Chia sẻ về quá trình áp dụng chuyển chuyển số trong nông nghiệp, anh Kiên cho biết: "Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng luôn tìm tòi áp dụng những kỹ thuật mới, công nghệ mới vào sản xuất, chuyển từ lao động thủ công sang cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chúng tôi nhận thấy, những thuận lợi khi ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp:

Một HTX ở Nam Định thu tiền tỷ nhờ trồng lúa, trồng hoa hòe, Giám đốc HTX chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số- Ảnh 2.

Anh Vũ Đình Kiên, xã Trực Nội (Trực Ninh) đầu tư thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Ảnh: Báo Nam Định

1. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, HTX được tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số vào các khâu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; HTX thành lập các nhóm zalo, facebook cùng chung mục đích, cùng nhau học tập, nghiên cứu, trao đổi thảo luận, điều hành công việc, một cách nhanh gọn chính xác.

2. Việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ giúp tiết kiệm công lao động, rút ngắn khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian, công việc được chính xác, đảm bảo tiến độ, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Từ đó đảm bảo quy trình và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao.

3. HTX áp dụng đồng bộ hệ thống máy móc, hệ thống camera giám sát, hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, vào các khâu chế biến, bảo quản, đóng gói sử dụng các phần mềm chuyên dụng giúp người quản lý điều hành công việc một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Đồng thời kịp xử lý các sự cố phát sinh trong chuỗi sản xuất đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.

4. Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX đăng ký 2 sản phẩm gồm: gạo bắc Thơm, gạo nếp Bắc và kết quả 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Trên bao bì sản phẩm có mã quét QR, giúp khách hàng nắm được quy trình sản xuất, nguồn gốc của sản phẩm một cách công khai, minh bạch, chính xác; khẳng định chất lượng và thương hiệu gạo sạch của HTX "Dược thảo Hoàng Thành" và cũng tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

5. Hiện nay sản phẩm gạo sạch bắc thơm và gạo nếp Bắc của HTX được xuất đi chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, cung ứng vào chuỗi các siêu thị và đại lý cấp 1, góp phần thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tạo sự kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao hiệu quả phối hợp và tối ưu hóa lợi ích cho các bên tham gia.

Bên cạnh những thuận lợi còn có một số khó khăn khi ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp:

1. Sản xuất nông nghiệp bao gồm rất nhiều công đoạn, việc nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số vào tất cả các công đoạn thành một vòng tuần hoàn khép kín là rất khó khăn, đòi hỏi người nông dân phải luôn luôn học hỏi, tìm tòi ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

2. Một bộ phận không nhỏ nông dân chưa có điện thoại thông minh kết nối internet. Một phần nông dân trung và cao tuổi mắt kém ít quan tâm đến học tập và nghiên cứu chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Nguồn nhân lực chất lượng cao về sản xuất, chế biến nông sản, vận hành các thiết bị công nghệ còn hạn chế.

3. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đồng bộ, nhiều hộ dân không mặn mà với đồng ruộng nhưng vẫn muốn giữ đất không cho thuê cho mượn. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà kính thông minh, nhà lưới, tưới tiêu tự động, sử dụng robot, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vẫn còn rất hạn chế.

4. Việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng công nghệ blockchain còn gặp nhiều khó khăn, do doanh nghiệp người dân chưa nắm được các thủ tục khi đi đăng ký, chi phí đăng ký tốn kém, nên doanh nghiệp và người dân chưa tích cực tham gia hoặc chỉ đăng ký để ứng phó.

Để góp phần đưa ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được thực tiến được thuận lợi hơn, anh Kiên xin đề xuất một số vấn đề sau:

Một là: Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, giảm bớt các thủ tục hành chính đối với nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung nguồn lực hỗ trợ những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh giỏi đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao.

Hai là: Đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục phối hợp xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giới thiệu thăm quan học tập, chuyển giao khoa học công nghệ; liên doanh liên kết với các công ty công nghệ chuyển giao kỹ thuật tự động hóa, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ba là: Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cấp thêm một nguồn kinh phí để xây dựng các mô hình chuyển giao ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem