Bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1948, hiện đang trú tại Tiền Giang) tham gia cách mạng từ nhỏ, bị địch bắn trọng thương năm 1966. Sau đó, bà vào tỉnh Tiền Giang sinh sống và lập gia đình ở đó cho đến nay. Ngày 5.11.1966, gia đình bà nhận được giấy báo tử, nói bà đã hy sinh.
Căn cứ vào đây, tỉnh Quảng Nam đã làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho bà, gia đình bà sau đó được hưởng những chế độ cho thân nhân liệt sĩ theo quy định. Gần đây, bỗng dưng bà Ngọc tìm về quê cũ của mình (Tam Vinh, Phú Ninh) khiến gia đình và chính quyền địa phương bất ngờ.
|
“Liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc đọc rõ tên mình đã được công nhận liệt sĩ trên bia tưởng niệm xã Tam Vinh. |
Theo lời bà Ngọc, thời chiến tranh bà tham gia cách mạng tại quê nhà, sau đó được điều động về làm cán bộ y tá chiến trường của trung đội 2, Đại đội 4 thuộc đơn vị cơ động của Khu 5.
Vào năm 1966, trong một trận đánh ác liệt của đơn vị tập kích vào Pleiku (Gia Lai), bà bị một viên đạn xuyên qua ngực trái làm mất 1 lá phổi, và một viên khác găm vào cổ. Đồng đội khiêng bà về bệnh xá Khu 5 đóng tại huyện Trà My (Quảng Nam). Bà được cứu sống nhưng thần kinh bị ảnh hưởng, không còn nhớ gì.
Sau đó, bà được chuyển ra Bệnh viện E Hà Nội điều trị tiếp. Tại đây bà lập gia đình với một thương binh quê Tiền Giang. Sau giải phóng, bà theo chồng về công tác tại Sở Y tế Tiền Giang. Đến năm 1982, vết thương cũ tái phát, lúc tỉnh, lúc mê nên bà nghỉ việc.
Mấy chục năm hòa bình, những lúc tỉnh, bà rất muốn về lại quê nhà để tìm gia đình nhưng do kinh tế khó khăn, bà không đi được. Gia đình ở quê cũng mất liên lạc với bà, nghĩ là bà đã hy sinh nên đã thờ tự bà từ đó đến nay. Nhiều người đã cố công đi tìm hài cốt của bà.
Phải đến gần đây, khi điều kiện gia đình đã ổn định, bà mới có dịp về quê và tìm được ngôi nhà xưa của mình. Tại đây, nhìn lên bàn thờ thấy ảnh mình, bà đã bật khóc.
Thu Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.