Một loài cá Việt Nam bất ngờ được ưa chuộng ở quốc gia cách nửa vòng trái đất

P.V Thứ tư, ngày 28/08/2024 14:49 PM (GMT+7)
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 184 triệu USD, tăng 29% so với tháng 7/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng tiếp tục lập kỷ lục

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 30% trong 7 tháng năm 2024, với giá trị đạt hơn 21 triệu USD. Xuất khẩu cá tra khô và sản phẩm cá tra đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc, bong bóng...) đạt gần 200 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chủ lực của cá tra Việt Nam (phi lê đông lạnh) trong 7 tháng đầu năm nay đạt 881 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hongkong vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong tháng 7/2024 đạt 55 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hongkong đạt 313 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm trong tháng 2 và tháng 3/2024.

Xuất khẩu cá tra hồi phục ở các thị trường lớn - Ảnh 1.

Nông dân ở ĐBSCL phấn khởi vì xuất khẩu cá tra khởi sắc nhờ nhu cầu từ các thị trường chủ lực. Ảnh: T.L

Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hongkong trong tháng 7/2024 cho thấy sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng này có thể được duy trì trong nửa cuối năm 2024 nhờ sự phục hồi nhu cầu, cải thiện chất lượng sản phẩm và các chiến lược thương mại thành công. Tuy nhiên, ngành xuất khẩu cần tiếp tục theo dõi và điều chỉnh theo các yếu tố tác động để duy trì và mở rộng thị trường.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 7/2024 đạt 31 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 7 tháng năm 2024 sang Mỹ đạt 190 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối thị trường CPTPP là điểm đến lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam, với giá trị xuất khẩu trong tháng 7/2024 đạt 28 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 155 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Mexico là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối CPTPP, với gần 10 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ.

Tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 14 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt 99 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hà Lan mặc dù vẫn dẫn đầu trong khối về tiêu thụ cá tra Việt Nam, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm nay vẫn chứng kiến giảm 4% so với cùng kỳ, chủ yếu là do sụt giảm trong tháng 2 và tháng 5/2024.

Theo chuyên gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đà tăng trưởng xuất khẩu cá tra vẫn "giữ được phong độ" trong tháng 7/2024 mặc dù các rào cản và khó khăn. Các tháng cuối năm khi mùa lễ hội và các kỳ nghỉ tới, lượng đơn đặt hàng cá tra từ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Cá tra Việt Nam được yêu thích tại Mexico

Là nền kinh tế phát triển năng động, dân số lớn, cửa ngõ tiếp cận hơn 500 triệu người dùng, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Mexico có quan hệ với nhiều khu vực nền kinh tế quan trọng trên thế giới, được coi là đầu mối để mở rộng đến các vùng kinh tế năng động như G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) hay Liên minh Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Alliance).

Cá tra nằm trong nhóm hàng thủy sản được hưởng ưu đãi của Hiệp định CPTPP. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt hơn 4 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến 15/7/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 39 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến giữa tháng 7/2024, Mexico tiếp tục duy trì là thị trường đứng đầu trong khối CPTPP, và là thị trường đơn lẻ thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mỹ về tiêu thụ nhiều nhất cá tra từ Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra hồi phục ở các thị trường lớn - Ảnh 2.

Nông dân TP.Cần Thơ chăm sóc cá tra. Ảnh: K.N

Sau khi liên tục giảm nhập khẩu trong tháng 2,3,4/2024, xuất khẩu cá tra tăng trưởng dương trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2024. Trong đó, tháng 6/2024 là tháng thị trường này tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam với giá trị nhập khẩu hơn 8 triệu USD, tăng 50% so với tháng 6/2023.

Việt Nam xuất sang Mexico chủ yếu là sản phẩm cá tra phile đông lạnh và cá tra cắt khúc đông lạnh. Quý II/2024, xuất khẩu cá tra phile cắt khúc đông lạnh sang thị trường này đạt hơn 18 triệu USD, tăng 19%, và trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 31 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý II/2024, Mexico hầu như không nhập khẩu các sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng từ Việt Nam. Nửa đầu năm nay, thị trường này tiêu thụ gần 300.000 USD cá tra giá trị gia tăng, tăng 262% so với cùng kỳ, chiếm 1% tỷ trọng, và chủ yếu là do lượng nhập khẩu từ quý đầu năm.

Mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mexico trong nửa đầu năm nay vẫn ở dưới mức 2,5 USD/kg. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải mức giá thấp nhất trong 3 năm qua.

Theo chuyên gia của VASEP, bất chấp khoảng cách địa lý, cá tra Việt Nam vẫn được người tiêu dùng tại Mexico ưa chuộng. Cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá tuyết (haddock) và cá minh thái. Ngoài ra, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các loại cá thịt trắng khác, cá tra Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao không chỉ với khẩu vị người châu Á mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem