Loài cá từng bị "bỏ rơi" vì quá tanh, nay thành đặc sản bao người mê vì nhiều dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng

N.A Thứ ba, ngày 13/08/2024 18:40 PM (GMT+7)
Cá mè, loài cá mà trước đây chỉ nhắc đến đã khiến nhiều người lắc đầu, nay lại trở thành một trong những đặc sản được săn đón.
Bình luận 0

Ở những miền quê Việt Nam, cá mè từng xuất hiện đầy rẫy trong các ao hồ, sông ngòi. Từng có thời gian dài, người dân rất ngại ăn loài cá này bởi mùi tanh đặc trưng của nó, khiến cá mè gần như bị bỏ quên, chỉ dùng để nuôi cá lớn khác hoặc xuất khẩu.

Loài cá xưa bị bỏ rơi vì tanh, nay là đặc sản bao người mê, nhiều dinh dưỡng, tăng cường đề kháng - Ảnh 1.

Loài cá này thường sinh sống trong các ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch và đầm lầy.

Tuy nhiên, với sự phát triển của ẩm thực và nhận thức về giá trị dinh dưỡng, cá mè dần dần được xem lại với một cái nhìn mới mẻ. 

Từ chỗ bị ghẻ lạnh, loài cá này giờ đây đã "lột xác" trở thành món ăn được nhiều người yêu thích, thậm chí còn có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng cao cấp.

Cá mè (còn gọi là liên ngư, bạch cước liên, phường ngư) là một loài cá nước ngọt, dễ nhận biết với thân hình dẹp, vảy mỏng màu trắng và đầu nhọn. 

Cá trưởng thành có thể đạt chiều dài từ 35cm đến 50cm, nặng từ 2kg đến 5kg, thậm chí có thể lớn hơn tuỳ thuộc vào môi trường sống và loại cá.

Loài cá này thường sinh sống trong các ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch và đầm lầy. Ở Việt Nam, cá mè chủ yếu được tìm thấy tại khu vực đồng bằng sông Hồng, sông Kỳ Cùng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Cá mè được chia làm hai loài chính là mè hoa và mè trắng. Mặc dù có tập tính sinh sống và sinh sản tương tự, nhưng mè hoa thường có kích thước lớn hơn, với một số con có thể nặng đến hơn 20kg, trong khi mè trắng thường chỉ đạt từ 0,8kg đến 3kg.

Loài cá xưa bị bỏ rơi vì tanh, nay là đặc sản bao người mê, nhiều dinh dưỡng, tăng cường đề kháng - Ảnh 2.

Tại Việt Nam cá mè xuất hiện nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng, sông Kỳ Cùng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Điều đặc biệt là cá mè có khả năng thích nghi rất tốt, có thể sống trong nhiều loại môi trường khác nhau. Thậm chí ở một số nơi, người ta còn áp dụng hình thức cộng sinh, trồng lúa và thả cá mè vào ruộng để vừa khai thác lúa vừa thu hoạch cá.

Cá mè từ lâu đã một trong những loại cá không thể thiếu trong sinh kế của nhiều gia đình ở các vùng nông thôn Việt Nam. Trong quá khứ, cá mè thường bị người dân quê tránh xa vì mùi tanh khó chịu. Nhưng gần đây, khi kỹ thuật chế biến ngày càng phát triển, cá mè đã được biến tấu thành nhiều món ăn hấp dẫn, đặc biệt là mè hoa.

Với hương vị thơm ngon, thịt ngọt và béo, loài cá này giờ đây không chỉ là món ăn trong gia đình mà còn là đặc sản được yêu thích tại các nhà hàng, khách sạn.

Theo lời chị Nguyễn Dị, một tiểu thương buôn bán cá nước ngọt ở chợ Văn Nội, Hà Đông, Hà Nội: "Cá mè xưa có đầy nhưng người dân ít ăn lắm vì nó tanh. Gần đây nó trở thành đặc sản nổi tiếng được ưa chuộng, đặc biệt là mè hoa. Người ta thường mua loại to về hấp bia hoặc nấu canh chua. Thậm chí nó còn xuất hiện trong các nhà hàng khách sạn".

Chính sự thay đổi trong cách nhìn nhận và phương pháp chế biến đã giúp cá mè thoát khỏi cảnh bị "bỏ rơi" và trở thành món ăn được ưa chuộng.

Hiện tại, loài cá này được rao bán nhiều ở các chợ dân sinh và chợ online với giá khoảng 70.000 đồng/kg, một mức giá khá hợp lý so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại.

Cá mè không chỉ ngon miệng mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Thịt cá giàu protid, acid béo không no, canxi, phốt pho, sắt cùng nhiều loại vitamin như B1, B2, A và acid nicotinic. 

Nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng phong phú, cá mè có thể bổ sung năng lượng, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng.

Ngoài ra, theo y học cổ truyền, cá mè có nhiều công dụng chữa bệnh đáng chú ý. 

Thịt cá mè có khả năng bổ tủy não, nhuận phế, ích tỳ vị, giúp khai vị, hạ khí, điều hòa ngũ tạng, chống hư huyết mạch, bổ gan, sáng mắt. 

Những người bị tỳ vị hư hàn, ăn kém, đau bụng, đầy bụng được khuyến khích nên sử dụng cá mè thường xuyên.

Bên cạnh đó, cá mè còn có tác dụng đáng kể trong việc điều trị các vấn đề về da như da thô ráp, tróc da và khô da. Đặc biệt, người cao tuổi cũng nên sử dụng cá mè thường xuyên để giảm thiểu các triệu chứng đau đầu, giảm trí nhớ, ho đờm và hen suyễn.

Nhờ sự biến hóa trong ẩm thực, cá mè đã trở thành nguyên liệu chính của nhiều món ăn ngon, đặc biệt là những món mang hương vị đồng quê, dân dã nhưng đầy cuốn hút.

Canh chua cá mè: Canh chua cá mè là một món ăn đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Nước dùng chua ngọt hòa quyện với vị béo ngậy của cá, tạo nên một món ăn vừa dễ ăn vừa bổ dưỡng. 

Món canh này không chỉ giúp ấm bụng mà còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, là lựa chọn lý tưởng cho bữa cơm gia đình.

Loài cá xưa bị bỏ rơi vì tanh, nay là đặc sản bao người mê, nhiều dinh dưỡng, tăng cường đề kháng - Ảnh 3.

Món cà mè kho nghệ.

Cá mè kho nghệ: Cá mè kho nghệ là món ăn không thể bỏ qua khi nhắc đến cá mè. Sự kết hợp giữa cá mè béo ngậy và nghệ vàng tươi mang lại món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng. Ngoài ra, nghệ còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc cải thiện làn da và hệ tiêu hóa.

Loài cá xưa bị bỏ rơi vì tanh, nay là đặc sản bao người mê, nhiều dinh dưỡng, tăng cường đề kháng - Ảnh 4.

Cá mè hấp bia.

Cá mè hấp bia: Cá mè hấp bia là cách chế biến phổ biến, giúp khử sạch mùi tanh của cá mà vẫn giữ nguyên độ tươi ngon, đậm đà của thịt cá. Đây là món ăn lý tưởng cho những bữa tiệc gia đình hoặc khi tiếp đãi bạn bè, vừa ngon vừa bổ dưỡng.

Với những lợi ích dinh dưỡng tuyệt vời và đa dạng về cách chế biến, thưởng thức cá mè là thưởng thức một phần hồn quê Việt Nam, nơi mà mỗi món ăn đều mang trong mình câu chuyện của sự khéo léo, sáng tạo và tình yêu dành cho những điều bình dị, mộc mạc nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem