Một loại trái cây ở ĐBSCL bán 40.000 đồng/kg, sang Mỹ bán 500.000 đồng/kg, giá tăng do chi phí logistics

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 18/12/2021 09:53 AM (GMT+7)
Sau đại dịch Covid-19, TP.HCM sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn các tỉnh ĐBSCL. Bởi lẽ, TP.HCM là một thực thể kinh tế nên có sự chủ động hơn trong điều phối, còn các tỉnh ĐBSCL vẫn là 13 "mảnh ghép" còn rời rạc…
Bình luận 0

Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, nếu ĐBSCL vẫn tiếp tục tư duy như là 13 thực thể thì chúng ta sẽ bị cắt rời. Một chuỗi ngành hàng cá tra thôi chúng ta đã thấy lộ ra những vấn đề đó rồi. Chuỗi ngành hàng tôm, gạo, trái cây… cũng y như vậy.

Vì sao TP.HCM dễ phục hồi kinh tế hơn các tỉnh ĐBSCL? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (khoác khăn rằn) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm các tỉnh, thành ĐBSCL tại Mekoong Connect 2021 - Ảnh: Quốc Hải

Các tỉnh ĐBSCL còn thiếu chủ động?

Chia sẻ tại diễn đàn Mekong Connect 2021, lãnh đạo nhiều DN tại TP.HCM cho biết các tỉnh ĐBSCL còn thiếu nhiệt tình mời gọi họ đầu tư.

"Vua hồ tiêu" Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, kể rằng hơn 20 năm kinh doanh đủ các loại nông sản trong nước, ông chưa bao giờ được mời xúc tiến thương mại tại Đồng bằng sông Cửu Long để xây nhà máy cả.

"Tôi từng được lãnh đạo tỉnh Sơn La mời gọi đầu tư một nhà máy chế biến cà phê tại tỉnh này. Và chỉ 8 tháng sau cuộc gặp gỡ đó, nhà máy đã hoàn thành. Đến nay thương hiệu cà phê Sơn La đã rất nổi tiếng trên thế giới. Nông dân là người được hưởng lợi nhất khi có đầu ra ổn định, giá bán rất cao…", ông Thông nói.

"TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL được ngồi lại với nhau ở đây là một điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Và chính điều này mở ra kỳ vọng để TP.HCM và ĐBSCL giải quyết nhu cầu vô cùng cấp thiết, đó là "liên kết cùng phát triển" - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, bày tỏ.

Cũng theo chia sẻ của ông Thông, Phúc Sinh lâu nay muốn xây dựng nhà máy chế biến gạo để xuất khẩu, để mua giá của dân cao như của nông dân Sơn La, nhưng chưa thể làm được.

 Nguyên nhân là vì không ai chấp nhận được việc di chuyển từ TP.HCM đến Cà Mau mất 5 tiếng đồng hồ, chưa kể các thủ tục giấy phép.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ – cũng chia sẻ, chi phí đường thủy cao hơn chi phí đường bộ là nghịch lý. Theo ông Lam, chi phí một container từ ĐBSCL đi TP.HCM bằng từ TP.HCM đi Đà Nẵng cho thấy sự không đồng bộ.

"Liên kết vùng là câu chuyện lớn và đã nói nhiều lần. Nhưng logistics là vấn đề rất cụ thể và cần thiết để TP.HCM và ĐBSCL phải giải quyết để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam", ông Lam cho biết.

Vì sao TP.HCM dễ phục hồi kinh tế hơn các tỉnh ĐBSCL? - Ảnh 3.

Lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp cùng tham quan các gian hàng đặc sản vùng ĐBSCL - Ảnh: Quốc Hải

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, cho biết, giá vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu nông dân ĐBSCL đang bán ra là 40.000 đồng/kg, nhưng giá bán tại Mỹ lên tới 500.000 đồng/kg. Phần chênh lệch này đa số nằm ở chi phí logistics.

"Giá cước quá cao cả đường biển lẫn đường hàng không, và muốn có chỗ để xuất khẩu hàng cũng không có. Nếu giải quyết được các vấn đề này, thì nông dân trồng vú sữa sẽ khấm khá rất nhiều", ông Tùng nói.

"Mạch máu" của 13 tỉnh ĐBSCL không thể đóng khuôn trong một địa giới hành chính

Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, khi còn là Bí thư Đồng Tháp, ông mời một doanh nhân người Australia tổ chức xúc tiến đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp Australia khác đầu tư vào tỉnh mình. 

Tuy nhiên, vị này thẳng thắn từ chối vì lý do các doanh nghiệp ở Australia không biết Đồng Tháp, An Giang,… ở đâu mà chỉ biết Mekong Delta (tên tiếng anh của đồng bằng sông Cửu Long) với ý nghĩa đây chỉ là một vùng đồng bằng rộng lớn trên thế giới.

Nhận định này giúp ông nhận ra rằng cần chuyển đổi tư duy liên kết vùng thay vì tư duy địa phương. Có lẽ, đã đến lúc phải nghĩ đến việc mỗi cái tên của địa phương có thể viết nhỏ lại một chút để chữ Mekong hay chữ Việt Nam lớn hơn, tạo ra hình ảnh sức mạnh.

"Nền kinh tế thị trường thì phải hiểu sức mạnh trên quy mô thị trường. Thực tế, nhiều khi chúng ta đang ngồi trong địa giới hành chính để tự hào sản lượng lớn, nhưng thật ra góc thị trường rất nhỏ", Bộ trưởng Bộ NNPTNT phân tích.

Theo ông Hoan, ĐBSCL phải được nhìn nhận như là một thực thể kinh tế. Chẳng hạn, về con cá tra, cá giống được sản xuất ở Long An, nhà máy chế biến nằm ở Cần Thơ, thị trường tiêu thụ phải đi qua cửa ngõ TP.HCM. Hay một ông thương lái ở Cần Thơ đi thu mua lúa gạo ở Đồng Tháp, Bến Tre… Những "mạch máu" kinh tế như thế nằm chi chít khắp 13 tỉnh, TP ở ĐBSCL, không đóng khuôn trong một địa giới hành chính nào.

Vì sao TP.HCM dễ phục hồi kinh tế hơn các tỉnh ĐBSCL? - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (bên phải) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, câu chuyện liên kết vùng ĐBSCL đã được nói đến 20 năm nay nhưng vẫn chưa thể thực hiện triệt để được. Một trong những nguyên nhân thường được "đổ lỗi" việc không thực hiện liên kết được, là do cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ.

"5-10 năm nay, tôi trăn trở việc đó. Có phải chỉ do hạ tầng không, hay ta mượn hạ tầng để nói?", ông Hoan đặt vấn đề và cho rằng, hạ tầng chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ.

"Lãnh đạo các tỉnh thành không thể ngồi riêng với nhau để tháo gỡ vấn đề này, mà cần bàn bạc với doanh nghiệp, người dân nếu muốn tính chuyện lớn. Dù diễn đàn không thể giải quyết tất cả các vấn đề nhưng từ những kho, vựa ý tưởng tại diễn đàn, sẽ gợi mở cho từng địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành rằng có cách để chúng ta tư duy khác, điều hành khác" – ông Hoan nói.

Chúng ta phải nhìn đồng bằng với một tâm thế khác, mới hơn, khác hơn, rộng lớn hơn. Thay vì những than phiền, cảm xúc tiêu cực, cả chính quyền, doanh nghiệp, thương lái, người nông dân cùng ngồi lại với nhau để đưa ra ý tưởng, sáng kiến rồi hành động…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem