Một năm sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, cuộc sống của phụ nữ nơi đây ra sao?

Lê Phương (Reuters) Thứ ba, ngày 09/08/2022 14:06 PM (GMT+7)
Monesa Mubarez sẽ không dễ dàng từ bỏ các quyền mà cô và những phụ nữ Afghanistan khác từng có trong suốt 20 năm phương Tây hậu thuẫn.
Bình luận 0
Một năm sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, cuộc sống của phụ nữ nơi đây ra sao? - Ảnh 1.

Kerishma Rasheedi, 16 tuổi và các bạn cùng lớp tham gia buổi học tại một trường tư thục ở Kabul, Afghanistan, ngày 3 tháng 8 năm 2022. Ảnh: Reuters

Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan một năm trước, người phụ nữ 31 tuổi này từng là giám đốc của Bộ tài chính.

Cô là một trong nhiều phụ nữ, chủ yếu sống ở các thành phố lớn, có những quyền tự do mà thế hệ trước đây không thể mơ đến dưới sự cai trị của Taliban vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên hiện Mubarez không có việc làm. 

Sau khi tiếp quản, Taliban bắt đầu giải thích nghiêm ngặt luật Hồi giáo đối với việc phụ nữ lao động, buộc họ phải ăn mặc và cư xử đứng đắn, đồng thời cấm nữ sinh đến các trường trung học trên khắp đất nước.

Dưới thời chính phủ mới, không có phụ nữ trong nội các và Bộ Phụ nữ đã bị đóng cửa.

Mubarez, một trong những nhà vận động nổi tiếng nhất ở thủ đô Kabul, cho biết: "Một cuộc chiến đã kết thúc, nhưng cuộc chiến giành lại cuộc sống của phụ nữ Afghanistan đã bắt đầu… Chúng tôi sẽ lên tiếng chống lại mọi bất công cho đến hơi thở cuối cùng".

Bất chấp nguy cơ bị đánh đập và giam giữ bởi các thành viên Taliban, Mubarez đã tham gia một số cuộc biểu tình, quyết tâm bảo vệ quyền lợi của mình.

Những cuộc biểu tình hiện đã không còn được tổ chức, cuộc biểu tình cuối cùng mà Mubarez tham gia là vào ngày 10/5.

Mặc dù vậy, cô và những người khác bí mật gặp nhau tại nhà, thảo luận về quyền của phụ nữ và khuyến khích mọi người tham gia phong trào. Những cuộc tụ họp như vậy hầu như không thể tưởng tượng được vào lần cuối cùng Taliban thống trị Afghanistan.

Trong một cuộc họp như vậy tại nhà của cô vào tháng 7, Mubarez và một nhóm phụ nữ ngồi thành vòng tròn trên sàn, nói về trải nghiệm của họ và hô vang những từ như "thức ăn", "công việc" và "tự do".

"Chúng tôi đấu tranh cho tự do của chính mình, chúng tôi đấu tranh cho quyền và địa vị của mình, chúng tôi không làm việc cho quốc gia, tổ chức hay cơ quan gián điệp nào. Đây là đất nước của chúng tôi, đây là quê hương của chúng tôi và chúng tôi có mọi quyền để sống ở đây", cô nói với Reuters.

Đại diện quốc gia của Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) tại Afghanistan, Alison Davidian, cho biết những câu chuyện như của Mubarez đang diễn ra trên khắp đất nước.

Cô nói: "Đối với nhiều phụ nữ trên khắp thế giới, đi bộ bên ngoài cửa trước ngôi nhà của bạn là một phần bình thường của cuộc sống. Còn đối với phụ nữ Afghanistan, điều đó thật phi thường. Đó là một hành động bất chấp".

Việc Taliban đối xử với trẻ em gái và phụ nữ là một trong những lý do chính khiến cộng đồng quốc tế từ chối công nhận những nhà cầm quyền mới của Afghanistan, từ đó cắt đứt hàng tỷ USD viện trợ và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các quan chức cấp cao tại một số bộ cho biết những chính sách liên quan đến phụ nữ do các nhà lãnh đạo cao nhất đặt ra và từ chối bình luận thêm. Afghanistan vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm trẻ em gái đến trường trung học.

Kerishma Rasheedi, 16 tuổi, cho biết: "Chúng tôi hy vọng về việc các trường học sẽ mở cửa trở lại". Cô muốn rời đất nước với cha mẹ để có thể được đi học.

Rasheedi nói: "Tôi sẽ không bao giờ ngừng học tập". Cô chuyển đến Kabul cùng gia đình từ tỉnh Kunduz, miền đông bắc nước này sau khi ngôi nhà của họ ở đó bị trúng tên lửa trong các cuộc đụng độ vào năm 2020.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ các quyền của phụ nữ và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong đời sống và chính trị. Một số phụ nữ cho biết họ đã phải chấp nhận các tiêu chuẩn mới để kiếm sống qua ngày.

Gulestan Safari, 45 tuổi, một cựu nữ cảnh sát, buộc phải thay đổi nghề nghiệp sau khi Taliban ngăn cô làm việc tại sở cảnh sát. Hiện Safari đang làm giúp việc nhà cho một số gia đình ở Kabul.

"Tôi yêu công việc của mình. Chúng tôi có thể mua mọi thứ chúng tôi muốn, chúng tôi có thể mua thịt, trái cây. Đó là điều quan trọng", cô nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem