Chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm bàn giải pháp nâng giá trị chuỗi ngành tôm
Chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm bàn giải pháp nâng giá trị chuỗi ngành tôm
Thắng Tình
Thứ ba, ngày 05/11/2024 14:26 PM (GMT+7)
Ngày 4/11, tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm.
Ngành tôm góp 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt hai thập kỷ qua. Hiện, tôm Việt Nam xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 đến 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến 4 tỷ USD.
Tại Nghệ An, ngành tôm được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp. Hoạt động nuôi tôm hiện nay đang tập trung ở năm địa phương gồm: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh với khoảng 1.200 cơ sở nuôi. Diện tích nuôi hàng năm khoảng 1.600 ha. Sản lượng tôm 10.000 tấn/năm.
Để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi tôm, UBND tỉnh Nghệ An đã có một số chính sách như: Hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, hỗ trợ 80% kinh phí chứng nhận đối với các mô hình sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, GolbalGAP, HACCP, hỗ trợ 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ hợp tác xã.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của các cơ quan, đơn vị và chia sẻ kinh nghiệm của một số hợp tác xã, một số doanh nghiệp về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết hợp tác trong các mô hình nuôi tôm.
Đại diện Tổ hợp tác nuôi tôm trên cát xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho biết: Từ khi thành lập tổ hợp tác các hộ có tiếng nói chung. Qua đó, tổ hợp tác đã kịp thời phản ánh, kiến nghị những vướng mắc với chính quyền, cử đại diện đi đàm phán ký kết hợp tác với các công ty giống, thức ăn, chế phẩm, đầu ra cho con tôm. Từ đó, vừa đảm bảo chất lượng, giá đầu vào lại được giảm, đầu ra được đảm bảo các hội viên được trao đổi cập nhập kiến thức thường xuyên với các chuyên gia nuôi tôm hàng đầu cả nước.
Để đảm bảo liên kết được bền vững, thông qua tổ hợp tác đã hình thành các Biên bản thỏa thuận, hợp đồng hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp với những điều khoản cam kết giữa 2 bên cụ thể hơn. Có thể khẳng định tổ hợp tác có thể chủ trì liên kết chuỗi trong hiện tại và thời gian tới. Tổ hợp tác cũng đề nghị cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp quan tâm đồng hành cùng tổ hợp tác nuôi tôm trên cát xã Quỳnh Lập trong thời gian tới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được của ngành tôm trong thời gian qua, hiện nay theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành tôm vẫn chưa phát huy hết được những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người và sự quan tâm của nhà nước.
Bên cạnh những hạn chế về nguồn lực tài chính, biến đổi khí hậu, quy hoạch,... thì một nguyên nhân chính là mối liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Những nguyên nhân này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
10 giải pháp, gỡ những vướng mắc phát triển ngành tôm Việt Nam
Tại hội nghị Cục Thủy sản đã đưa ra 10 giải pháp tập trung để giải quyết những vướng mắc trong phát triển ngành tôm Việt Nam. Đầu tiên là giải pháp về chính sách đất đai, trong đó đưa quy hoạch về nuôi trồng thủy sản vào quy hoạch kinh tế xã hội của địa phương. Có chính sách về dồn điền đổi thửa thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ nông dân hoặc để làm tài sản thế chấp vay vốn phát triển.
Chính sách về tài chính, tín dụng cũng cần đơn giản hóa với lãi suất hợp lý, dài hạn. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần tập trung đầu tư các hạ tầng đầu mối thiết yếu. Đồng thời, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và hộ nông dân trong liên kết kinh tế, giải quyết quan hệ lợi ích trong liên kết kinh tế.
Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm.
Đồng thời, các giải pháp về tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu cũng được Cục Thủy sản đề ra. Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng và ý thức pháp luật của chủ thể trong liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cũng được đề cao.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: “Hội nghị là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong ngành tôm cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, xây dựng mối liên kết bền vững. Từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ tháo gỡ những điểm nghẽn, thách thức mà ngành tôm đang phải đối mặt để trong thời gian tới ngành tôm sẽ phát triển bền vững hơn”.
Trước đó, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã đi tham quan một số mô hình nuôi tôm trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.