Một nông dân Cà Mau nuôi cá, tôm, trồng cây ăn trái chấp hết hạn mặn được Thứ trưởng Lê Minh Hoan khen

Khương Lực Thứ tư, ngày 17/03/2021 16:18 PM (GMT+7)
Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT – dẫn câu chuyện một nông dân Cà Mau đào ao nuôi cá nước ngọt ở giữa, xung quanh nuôi tôm nước mặn và trồng nhiều loại cây trái để minh chứng cho một mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận 0

Ngày 17/3, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT và Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã trực tiếp nghe Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT báo cáo về hợp tác xã (HTX) thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông dân Cà Mau nuôi cá, tôm và trồng nhiều cây trái thích ứng biến đổi khí hậu được Thứ trưởng Bộ NNPTNT khen - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT - giới thiệu mô hình nông dân Cà Mau đào ao nuôi cá nước ngọt ở giữa, xung quan nuôi tôm nước mặn và trồng nhiều cây trái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Phúc.

Xây dựng khoảng 120 HTX thích ứng với biến đổi khí hậu

Trình bày về dự thảo đề án phát triển HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cho biết, quan điểm xây dựng Đề án phù hợp với Nghị quyết số 120/NQ-CP, đó là: Thuận thiên, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng hướng đến sự phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đề án sẽ hỗ trợ HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp phi công trình có hiệu quả cao, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ HTX, nhất là những sáng kiến của nông dân, thành viên HTX, cộng đồng dân cư sản xuất – kinh doanh nông nghiệp.

Tôi thấy đề án này rất thiết thực. Nhân dịp này, chúng ta thực hiện chuyển đổi số trong các HTX nông nghiệp. Chuyển đổi số cũng góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, mỗi người nông dân có điện thoại thông minh người ta sẽ chủ động tưới tiêu, người ta có thể nắm bắt thông tin hàng ngày trong HTX, người ta có thể biết trong ngày lúc nào triều cường, lúc nào triều thấp, độ mặn là bao nhiêu thì mỗi ngày người ta có kế hoạch ứng phó, thích ứng trong ngắn hạn cũng từng mùa vụ.

Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT

"Các biện pháp hỗ trợ HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu phải phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế, năng lực của HTX và nông dân ở từng vùng, địa phương cụ thể. Ưu tiên hỗ trợ các HTX áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông lâm thủy sản đi kèm với liên kết chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn và xây dựng thương hiệu nông sản" – ông Thịnh nêu.

Một trong 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là xây dựng được khoảng 120 mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu trong 3 lĩnh vực sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản ở ĐBSCL. Cùng với đó, doanh số và thu nhập năm 2025 của thành viên HTX, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trong HTX tăng 1,5 lần so với hiện nay.

Nội dung đề án tập trung vào củng cố năng lực, nâng cao nhận thức của HTX, thành viên HTX về biến đổi khí hậu và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các mô hình HTX áp dụng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Cùng với đó, đề án hỗ trợ đầu tư một số hạng mục hạ tầng quy mô nhỏ, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh của HTX thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhân rộng các sáng kiến của nông dân, cộng đồng, HTX trong sản xuất nông, lâm, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Thịnh, từ khi thực hiện Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có sự phát triển khá tốt. Đến cuối năm 2020, vùng ĐBSCL có 2.546 HTX nông nghiệp, chiếm 15% số HTX nông nghiệp cả nước, tăng 1.379 HTX so với năm 2012. ĐBSCL là vùng có số lượng HTX tăng nhiều nhất.

Các HTX vùng ĐBSCL thời gian vừa qua đã có nhiều hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả như: ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (đến hết năm 2020, toàn vùng có 295 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông dân Cà Mau nuôi cá, tôm và trồng nhiều cây trái thích ứng biến đổi khí hậu được Thứ trưởng Bộ NNPTNT khen - Ảnh 3.

ĐBSCL có nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều HTX cũng chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác để tăng hiệu quả kinh tế hoặc tham gia quá trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn, tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Tuy nhiên, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu của các HTX nông nghiệp còn mang tính tự phát, số lượng HTX nông nghiệp và thành viên HTX chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng chưa nhiều. Vì thế, việc xây dựng Đề án này là cần thiết và có ý nghĩa lớn trong phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội – môi trường vùng ĐBSCL nói chung.

Thay đổi tên đề án để tránh gây nhầm lẫn

Ngay sau khi nghe ông Lê Đức Thịnh, Cục trường Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT trình bày về dự thảo đề án phát triển HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan lưu ý nên thay tên Đề án thành "Đề án nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho các HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL".

Bởi, nếu để tên Đề án như Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT đề xuất thì sẽ gây nhầm lẫn, người ta nghĩ rằng có hai HTX khác nhau, một HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và một HTX bình thường.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đề án này rất phù hợp với Nghị quyết 120/NQ-CP và hỗ trợ HTX nâng cao nhận thức, năng lực và kể cả một số giải pháp về mặt công nghệ, kỹ thuật. 

Ví dụ, thay vì tưới tràn như ngày xưa, bây giờ tưới nhỏ giọt, tưới có điều chỉnh thông qua chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh để có thể tưới đúng số lượng trong lúc suy kiệt tài nguyên nước và những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta có 2 giải pháp là: công trình và phi công trình và chia thành 5 cấp độ quốc gia, vùng; tiểu vùng; cộng đồng và hộ gia đình. 

"Ở đây có thể hiểu HTX là một cộng đồng và cấp độ cuối cùng là hộ, từng hộ gia đình cũng tham gia vào thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi hộ gia đình đào một cái ao để chứa nước ngọt nuôi cá và chủ động nguồn nước" – ông Hoan giải thích.

Theo ông Hoan, giải pháp công trình bao giờ cũng làm phát sinh những hệ lụy, tạo ra xung đột giữa vùng sản xuất này với vùng sản xuất khác và điều này sẽ tác động đến hoạt động của các HTX.

 Chính vì thế, trong định hướng của đề án, Bộ NNPTNT sẽ đi sâu vào giải pháp phi công trình; còn nếu có giải pháp công trình thì là các công trình quy mô nhỏ như: ao, hồ, bè kè, kênh mương…

Đồng tình với giải pháp phi công trình là chính, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, đề án phải nêu rõ quan điểm, mục tiêu cụ thể. 

Chẳng hạn, trong điều kiện xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt…, các HTX vẫn phải đảm bảo điều kiện sản xuất ổn định, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Để minh chứng thêm cho câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng câu chuyện một nông dân ở Cà Mau đã đào ao nuôi cá nước ngọt ở giữa khu đất nhà mình, xung quanh nuôi tôm nước mặn và trồng rất nhiều cây ăn trái.

 Ở ao nuôi cá nước ngọt, nông dân này thả rất nhiều lục bình (bèo tây), hàng ngày vớt quang xuống cho tôm ăn, không cần mua thức ăn cho tôm.

"Trên một miếng đất và trong cùng một thời điểm, nông dân này vừa nuôi cá nước ngọt trong ao ở giữa, vừa nuôi tôm nước mặn xung quanh và trồng rất nhiều cây trái, chứ không phải đợt mặn lên thì nuôi tôm, ngọt thì nuôi cá. Tôi muốn giới thiệu để chúng ta kết hợp với các chuyên gia tìm ra các mô hình để chúng ta đưa vào" – ông Hoan nói.

Với trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản, ĐBSCL là khu vực dẫn đầu cả nước về xuất khẩu lúa gạo, trái cây và thủy sản. ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng trái cây, 70% sản lượng thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, sản xuất nông nghiệp của vùng bước đầu được chuyển đổi theo hình hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem