Một nước Đông Nam Á cần mua lượng khổng lồ, giá loại nông sản chủ lực của Việt Nam tăng vọt

P.V Chủ nhật, ngày 22/10/2023 18:50 PM (GMT+7)
Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu 307.827 tấn gạo, lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu đã đạt 6,7 triệu tấn. Với đà này, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo.
Bình luận 0

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu 307.827 tấn gạo, lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu đã đạt 6,7 triệu tấn. Với đà này, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo.

Trong tháng 9, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với khối lượng lên tới 166.086 tấn, trị giá 101,4 triệu USD, tăng 43,9% về lượng và 63,9% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp 40 lần về lượng và 52 lần về trị giá. 

Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường châu Phi như Gana hay Mozambique cũng tăng mạnh gấp hơn 2 lần so với tháng 9/2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam với khối lượng đạt 2,44 triệu tấn, trị giá 1,29 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiếp theo là Indonesia, xuất khẩu sang thị trường này tăng 17 lần về lượng và 18 lần về trị giá lên mức 884.177 tấn, trị giá 462,6 triệu USD. 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ ba với 858.848 tấn, trị giá 495,78 triệu USD, tăng 37,2% về lượng và 55,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Về cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu, gạo trắng là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong 9 tháng năm 2023 với khối lượng vào khoảng hơn 3,8 triệu tấn và chiếm 60% tỷ trọng. Tiếp theo là gạo thơm chiếm 25,4% tỷ trọng với khoảng 1,6 triệu tấn. 

Đáng chú ý, do nhu cầu tăng vọt của thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức bình quân 551 USD/tấn. Trong tháng 9, giá xuất khẩu gạo đạt 624 USD/tấn, tăng 5,2% so với tháng trước và cao hơn 32,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

Như vậy, trong quý III năm nay giá gạo xuất khẩu đã tăng tới 73 USD/tấn, tương ứng hơn 13% sau khi Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu mặt hàng lương thực này.

Một nước Đông Nam Á cần mua lượng khổng lồ, giá loại nông sản chủ lực của Việt Nam tăng vọt - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 20/10 ở mức 643 USD/tấn. Ảnh: B.T

Thị trường gạo thế giới được cho là sẽ sôi động hơn trong thời gian tới do nhu cầu nhập khẩu từ các nước đang tăng lên, giá gạo cũng có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau hơn một tháng điều chỉnh giảm.

Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn, giá gạo Việt Nam tăng ngay sau khi Indonesia có nhu cầu mua thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ và nguồn cung chủ yếu từ Việt Nam, Thái Lan.

Bên cạnh Indonesia, thì Philippines, quốc gia nhập nhiều gạo nhất của nước ta đã tăng mua trở lại sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc được nhận định sẽ tăng mua các loại gạo nếp để phục vụ cho nhu cầu lễ Tết cuối năm. 

Còn tại Malaysia, các thông tin cho thấy thị trường này không thiếu gạo cho tiêu dùng của người dân nhưng giá gạo Malaysia đang ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng thiếu hụt lượng gạo nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến. 

Trong khi đó nguồn cung toàn cầu vẫn thắt chặt, Ấn Độ đang có kế hoạch gia hạn thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ cho đến tháng 3/2024, một động thái có thể làm giảm thêm lượng bán ra từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và tăng giá gạo toàn cầu. 

Theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có thể đạt 8,4 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với dự báo trước và tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2022. USDA nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng tại Philippines và Indonesia.

Với kết quả đã đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhiều dự đoán kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2023 sẽ vượt 4 tỷ USD, dao động từ 4,5 – 4,8 tỷ USD.

Một số doanh nghiệp cho biết, trong trường hợp Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo cho đến nửa đầu 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao, không dưới 650 USD/tấn.

 Trong báo cáo tháng 10, USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 ở mức 53,8 triệu tấn, tăng 1,3% so với dự báo trước nhưng giảm 2,3 triệu tấn so với năm 2022. Ngoài ra, USDA cũng nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2024 lên mức 52,5 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với dự báo trước nhưng giảm 1,3 triệu tấn so với năm 2023. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tính đến 18/10, Việt Nam có 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, giảm 40 thương nhân so với cập nhật ngày 17/8 và giảm 28 so với con số ngày 5/1. TP HCM tiếp tục là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân, chiếm 22% tổng số thương nhân. Đứng sau TP HCM, TP Cần Thơ có 35 thương nhân, tỉnh Long An có 22 doanh nghiệp, An Giang có 16 thương nhân, Đồng Tháp có 14 doanh nghiệp và Hà Nội có 10 doanh nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem