Một ông nông dân Hà Nội sang tận Hàn Quốc học trồng thứ cây này, giờ mỗi năm doanh thu 40 tỷ đồng

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 20/02/2021 18:45 PM (GMT+7)
Cho đến bây giờ, khi đã thành công với một nhà máy sản xuất nấm hiện đại theo công nghệ Hàn Quốc, anh Triệu Quang Trung (ở thôn Thanh Sơn, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn thầm cảm ơn cái ngày cách đây gần 26 năm anh được cha mẹ đồng ý cho rời bỏ giảng đường đại học sang xứ kim chi “tầm sư học đạo”.
Bình luận 0

Ôm mộng trồng nấm ở xứ kim chi

Thực ra, ngay từ đầu, anh Trung không nghĩ có một ngày mình sẽ rẽ sang nghề trồng nấm. Bởi anh đã thi đỗ ngành chế tạo máy của Trường Đại học Giao thông vận tải. 

Nhưng trong một lần tình cờ, một người quen của gia đình có chia sẻ với anh về triển vọng của ngành công nghệ sinh học, trong đó có nghề làm nấm công nghệ cao.

"Ngay lập tức, tôi bị hút vào câu chuyện ấy. Rất may bố mẹ tôi đều là những cán bộ trong ngành nên hiểu rất rõ tương lai của ngành nấm ăn, nấm dược liệu nên sẵn sàng cho tôi bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ mới" - anh Trung nhớ lại cơ duyên đến với nghề trồng nấm.

Vậy là bỏ lại giảng đường đại học, tháng 9/1994, anh Trung chính thức đặt chân đến Hàn Quốc, chính thức bước vào hành trình học nghề trồng nấm vô cùng gian nan nhưng cũng cho anh nhiều trải nghiệm thú vị. 

Anh mạnh dạn đăng ký theo học hệ thực tập sinh chuyên ngành vi sinh, nấm ăn, nấm dược liệu thuộc Khoa Vi sinh, Trường ĐH Konkuk.

Tatnien/ 20 năm “nuôi” giấc mơ làm nấm sạch - Ảnh 1.

Anh Triệu Quang Trung kiểm tra sự phát triển của nấm. Ảnh: Nguyễn Chương

26 năm kể từ ngày đặt chân đến xứ sở kim chi "tầm sư học đạo", theo đuổi mô hình trồng nấm hiện đại, với anh Trung đó là một chặng đường dài, nhiều mồ hôi nước mắt nhưng cũng rất ngọt ngào. Mỗi ngày, những cây nấm sạch, bổ dưỡng từ trang trại của anh vẫn tỏa đi muôn nơi, hiện diện trong bữa ăn của nhiều gia đình.

"Đang học ngành chế tạo máy lại chuyển sang học nghề trồng nấm, một mình ở xứ người, hẳn anh trải qua nhiều khó khăn, vất vả?" - tôi hỏi. 

Trầm ngâm giây lát, anh Trung chia sẻ: "Ban đầu tôi choáng ngợp với những công nghệ sản xuất nấm của Hàn Quốc, nơi được coi là một trong những quốc gia có công nghệ làm nấm vi sinh rất phát triển. 

Sau những choáng ngợp đó, tôi lại vật vã làm quen với tiếng Hàn để bắt nhịp với việc học, rồi đi làm thêm để có tiền trang trải việc học".

Thấm thoắt cũng hết 4 năm học ở xứ sở kim chi, các công nghệ làm nấm anh Trung đã thuộc nằm lòng, nhưng thời điểm đó, anh chưa đủ tự tin và nguồn lực để thực hiện được giấc mơ xây dựng một trại sản xuất nấm của riêng mình trên đất mẹ. 

Vậy là về nước một thời gian, lần thứ 2, anh quay trở lại Hàn Quốc, vừa làm việc tại một trung tâm sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, vừa học hỏi thêm công nghệ, kỹ thuật sản xuất nấm hiện đại nhất của đất nước này.

Sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, anh Trung về nước vào năm 2004. Nhưng phải đợi đến 10 năm sau, anh mới thực hiện được ước mơ có một nhà máy sản xuất nấm hiện đại của riêng mình. 

Anh Trung cho biết: "Sau khi về nước, tôi tiếp tục nhập các loại nấm ăn, nấm dược liệu của Hàn Quốc về kinh doanh, vừa tích lũy vốn, vừa tìm hiểu thị trường, bởi thời điểm đó thị trường nấm ăn tươi ở Việt Nam chưa thực sự phát triển".

Gian nan tiêu thụ, mang nấm đi cho cũng không ai lấy

Năm 2014, sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và một khoản vốn kha khá, anh Trung bắt tay vào thực hiện giấc mơ của mình: Xây dựng nhà máy sản xuất nấm theo công nghệ Hàn Quốc với diện tích 2.400m2 ngay trên địa bàn xã Minh Phú với kinh phí lên tới 24 tỷ đồng.

 "Các thầy giáo của tôi ở Hàn Quốc đã rất vui mừng khi biết giấc mơ của tôi đã thành sự thật" - anh Trung khoe.

Tatnien/ 20 năm “nuôi” giấc mơ làm nấm sạch - Ảnh 3.

Trang trại của anh Trung hiện đang trồng một số loại nấm: sò yến, đùi gà, ngọc châm, nấm sò, nấm hương tươi, nấm sừng hươu, đông cô và linh chi. Ảnh: N.C

Đến năm 2017, anh Trung mở rộng diện tích nhà xưởng lên 3.600m2 và hiện nay diện tích trang trại nấm đã lên đến 5.000m2, mỗi ngày cho thu 800 kg nấm, doanh thu 35 - 40 tỷ đồng/năm. Với những thành tích của mình, anh Trung được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Nhưng anh Trung không thể hình dung hết những khó khăn đang đợi mình ở phía trước, khi trong khoảng 2 năm đầu khi trại nấm đi vào hoạt động, quy trình sản xuất thất bại, 95% số nấm làm ra bị hỏng. 

"Tôi bị khủng hoảng vì thua lỗ kéo dài, có lúc càng trồng càng lỗ, nhưng lúc đó tôi nghĩ nếu mình dừng lại thì vốn liếng sẽ đổ sông đổ biển" - anh Trung nhớ lại.

Vậy là anh mày mò tìm hiểu lý do, hóa ra là do nguồn nguyên liệu đầu vào (mùn cưa, cám gạo, lõi ngô) không đạt tiêu chuẩn. Rút kinh nghiệm, trước khi đưa nấm vào trồng, anh tiến hành xử lý nguyên liệu thật kỹ. 

Anh Trung chia sẻ, so với mô hình sản xuất nấm truyền thống, nấm sản xuất theo phương thức công nghiệp cho sản lượng và chất lượng đồng đều hơn. Bởi quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín, từ công đoạn trộn, ủ nguyên liệu, cấy giống, ươm sợi tới nuôi trồng và thu hoạch.

Nấm được chăm sóc, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, không bị chi phối bởi yếu tố nhiệt độ, thời tiết, không sâu bệnh…, chỉ cần duy trì môi trường nhân tạo ở nhiệt độ 18 - 20 độ C, phun sương tạo độ ẩm 85 - 90%.

Nhưng khi đã thành công với quy trình trồng nấm thì anh Trung lại vấp phải một khó khăn tưởng chừng không thể nào vượt qua: Đó là thị trường. 

Anh chia sẻ: "Nấm sản xuất ra mỗi ngày một nhiều mà không có người mua do thói quen ăn nấm tươi chưa phổ biến. Vậy là tôi phải mang từng bịch nấm đến từng tòa chung cư, chợ để tặng cho người ta.

 "Vậy mà có người vẫn không dám nhận bởi nhìn những cây nấm trắng trẻo, non tơ họ tưởng là có dùng chất kích thích" - anh Trung cười lớn.

Trại nấm trong mơ đã hình thành

Kiên trì với con đường đã chọn, mưa dầm thấm lâu, dần dần những sản phẩm nấm từ trang trại của anh Trung được người tiêu dùng đón nhận, bắt đầu bước chân vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn.

 Hiện, xưởng sản xuất của anh Trung chủ yếu trồng nấm sò yến, đùi gà, ngọc châm, nấm sò, nấm hương tươi, nấm sừng hươu, đông cô và linh chi, với sản lượng trên 800kg/ngày.

 Năm 2017, anh mở rộng diện tích nhà xưởng lên 3.600m2 và hiện nay đã lên đến 5.000m2, cho doanh thu 35 - 40 tỷ đồng/năm.

"Trang trại của tôi hiện có 17 công nhân làm việc. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là thời điểm nấm tiêu thụ mạnh nhất, khách không đặt sớm là cháy hàng" - anh Trung nói.

Hỏi anh về kế hoạch mở rộng sản xuất, anh Trung bảo: Thị trường nấm ăn ở Việt Nam đang vô cùng tiềm năng, bởi hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, tôi đang có kế hoạch liên kết với Công ty Hồ Gươm mở thêm một nhà máy sản xuất nấm ở Bắc Ninh với hy vọng người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm nấm sạch, có nguồn gốc rõ ràng với giá hợp lý".

"Nấm là sản phẩm của tương lai, tôi tin, nếu có chính sách thúc đẩy phát triển, có thêm những doanh nghiệp lớn đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu nấm sang những thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc…" - anh Trung khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem