Phạm nhân đi cấp cứu, gia đình không hay
Vụ việc một can phạm tử vong khi đang thụ án tại Trại tạm giam số 1 Hà Nội đang gây xôn xao trên các mạng xã hội những ngày qua. Can phạm bị tử vong là Vũ Nam Ninh (SN 1970), trú tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
Người nhà anh Vũ Nam Ninh phản ánh về cái chết bất thường của anh Ninh cho PV NTNN. Ảnh nhỏ: Nạn nhân Vũ Nam Ninh trước khi tử vong. (Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp)
Trao đổi với PV NTNN, chị Vũ Thị Thúy (Ba Đình, Hà Nội) - chị gái của nạn nhân cho biết: Khoảng 17h ngày 20.7 có người nói tên là Phương, cán bộ Trại tạm giam số 1 gọi điện báo cho gia đình là anh Vũ Nam Ninh đã mất nhưng không nói rõ ngày, giờ tử vong. Cán bộ trại giam hẹn thân nhân gia đình vào 14h ngày 21.7 đến Bệnh viện 198 để nhận thi hài Ninh. Sau đó, gia đình mới biết anh Ninh được đưa vào bệnh viện để cấp cứu từ ngày 18.7. Thế nhưng, gia đình không hề nhận được thông báo anh Vũ Nam Ninh phải nhập viện.
Chị Thúy cho hay: "Điều này rõ ràng trái với quy định trong Luật Thi hành án hình sự. Và sau khi nhập viện có 2 ngày, em tôi đã tử vong".
Khi đến nhận thi hài anh Vũ Nam Ninh, gia đình phạm nhân nhận thấy trên thi thể có những vết bầm tím, phù nề khác thường, sống mũi có dấu hiệu vẹo, phía sau bắp chân trái có dấu vết đâm sâu...
“Không có chuyện anh Ninh bị đánh đập”(?)
Lãnh đạo Trại tạm giam số 1 Hà Nội, trong buổi làm việc với PV NTNN, đã khẳng định không hề có chuyện cán bộ giám thị hay can phạm khác đánh đập, đồng thời sức khỏe can phạm là “bình thường”. Tuy nhiên, lãnh đạo trại giam chưa thể cho biết can phạm Vũ Nam Ninh tử vong vì "bệnh" gì.
Thượng tá Lại Hợp Nhã - Phó giám thị Trại tạm giam số 1 Hà Nội cho biết: "Can phạm Vũ Nam Ninh nhập trại từ ngày 19.1.2015, khám sức khỏe lần đầu khi vào trại can phạm bình thường, không có biểu hiện bệnh tật nhưng tự khai là bị cao huyết áp. Trong quá trình ở trại, can phạm Ninh cũng đã khám sức khỏe 9 lần theo định kỳ. Có một số lần có ốm, bệnh đơn giản và được chữa tại buồng như tê chân, phù, ho, sốt phát ban. Cho đến trước ngày 18.7, can phạm vẫn bình thường".
Tuy nhiên, đến 5h30 sáng 18.7, cán bộ quản giáo kiểm tra thấy can phạm Vũ Nam Ninh có biểu hiện bất thường nên đã báo cho cán bộ y tế cấp cứu. Ngay sau đó, anh Ninh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vì trường hợp của anh nằm ngoài khả năng điều trị của trại. Thượng tá Nhã cho biết: "Đến 15h30 ngày 20.7, chúng tôi nhận được thông báo can phạm đã tử vong. Chúng tôi khẳng định can phạm không bị đánh đập trong trại giam".
Trả lời câu hỏi vì sao can phạm Vũ Nam Ninh bị cấp cứu vào bệnh viện nhưng gia đình không được phía trại tạm giam thông báo ngay mà phải đợi đến 2 ngày sau, khi phạm nhân tử vong trại mới báo về gia đình, đại tá Chu Xuân Thọ - Giám thị Trại tạm giam số 1 cho biết: "Ngày 18.7 là ngày nghỉ, nếu thông báo thì chúng tôi phải gửi văn bản tới gia đình. Do khi đó thời gian gấp, lúc can phạm tử vong chúng tôi phải gọi về phường hỏi số điện thoại người nhà mới liên lạc được"(?).
Tuy nhiên, chị Vũ Thị Thúy - đại diện gia đình anh Vũ Nam Ninh cho rằng: "Chắc chắn phải có nguyên nhân khác em tôi mới tử vong nhanh như thế? Nhưng trại giam lại không hề có thông báo kịp thời cho gia đình để cùng phối hợp cứu chữa cho em tôi. Phạm nhân được đưa đi cấp cứu, có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng mà trại không tìm cách liên lạc với gia đình là thiếu trách nhiệm". Với các vết có dấu hiệu bầm tím, các vị trí được gia đình can phạm Vũ Nam Ninh nghi là bị gãy xương, đại tá Chu Xuân Thọ cho rằng phải chờ kết quả giám định pháp y của Hội đồng giám định mới có thể kết luận.
Sau nhiều lần làm việc với đại diện Trại giam, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, gia đình can phạm Vũ Nam Ninh đã thống nhất thực hiện thủ tục giám định pháp y vào chiều 31.7. Hiện các cơ quan chức năng đang chờ kết quả giám định để đưa ra kết luận về nguyên nhân anh Ninh tử vong.
Luật không quy định thông báo bằng văn bản
Theo khoản 2, Điều 48, Luật Thi hành án hình sự: “Phạm nhân bị ốm, bị thương thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở chữa bệnh cấp huyện. Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương để điều trị; trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.