Một quyết định 8 năm có hiệu lực bị hủy ở Kiên Giang

Thứ hai, ngày 05/12/2011 08:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quyết định về việc giải quyết khiếu nại tố cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký đã có hiệu lực pháp luật gần 8 năm, Nhưng ,lạ lùng thay, Cục III – Thanh tra Chính phủ lại có công văn đề nghị hủy bỏ quyết định đã có hiệu lực và “xới” toàn bộ vụ việc lại từ đầu.
Bình luận 0

Hai đời chủ tịch tỉnh nói đúng

Năm 1994, ông Trần Tiến Ninh ở nhà số 769 đường Nguyễn Trung Trực (khu phố II, phường An Hòa, thị xã Rạch Giá) làm đơn khiếu nại về việc: Ông Nguyễn Nhật Nghiêm lấn chiếm đất của ông. Sự việc được UBND phường An Hòa tổ chức hòa giải nhưng không thành.

img
Ông Trần Tiến Ninh bức xúc trình bày với phóng viên NTNN.

Sau đó, UBND thị xã Rạch Giá ra Quyết định số 165/QĐ – UB ngày 8.4.1999 về việc thừa nhận cho ông Ninh sử dụng diện tích đất theo giấy tờ chuyển nhượng với chiều ngang 25m, buộc ông Nghiêm giao trả diện tích 64,8m2 (thực tế là ngang trước 1,8m, ngang sau 1,5m, dài 35,4 m = 58,41m2) đất cho ông Ninh sử dụng. Tuy nhiên, ông Nghiêm không chấp hành và làm đơn khởi kiện lên tỉnh.

Ngày 7.6.2002, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lúc bấy giờ là ông Trương Quốc Tuấn ký Quyết định số 1409/QĐ – CT công nhận một phần Quyết định số 165 của UBND thị xã Rạch Giá về việc giải quyết thừa nhận cho ông Ninh sử dụng diện tích đất theo giấy tờ chuyển nhượng với chiều ngang 25m là đúng pháp luật đất đai của Nhà nước. Quyết định do ông Tuấn ký nêu rõ: “Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và đây là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của UBND tỉnh”.

Sau đó, các cơ quan chức năng cưỡng chế buộc ông Nghiêm giao đất cho ông Ninh vào năm 2002. Đến năm 2007, ông Nghiêm làm đơn khiếu nại hành chính về việc cưỡng chế thực hiện theo Quyết định 1409 giao diện tích 130m2 lớn hơn diện tích cưỡng chế là 58,41m2.

Ngày 12.11.2007, ông Bùi Ngọc Sương – Chủ tịch tỉnh Kiên Giang có Công văn số 978 gửi Thường trực Tỉnh ủy và ông Nghiêm cho rằng việc khiếu nại của ông là không có cơ sở để xem xét giải quyết. Do không đồng ý với Công văn 978 nên ông Nghiêm đi đến khiếu nại Quyết định 1409 của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng theo quy định của pháp luật ở thời điểm này, việc khiếu nại của ông Nghiêm đã không còn hiệu lực.

Hủy bỏ quyết định có hiệu lực!

Thế nhưng, ngày 2.10.2008, Cục III – Thanh tra Chính phủ ra Công văn số 206/CV – C.III kết luận: “UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi, hủy bỏ Quyết định 1409/QĐ – CT ngày 7.6.2002 của UBND tỉnh và ra quyết định giải quyết bác yêu cầu của ông Ninh”.

Trước “mệnh lệnh” của Cục III – Thanh tra Chính phủ, ngày 10.9.2009, ông Bùi Ngọc Sương – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký Quyết định số 2180/QĐ – UBND hủy bỏ Quyết định số 1409 trước đó do ông Tuấn ký. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng: Quyết định của ông Sương có sự “mâu thuẫn” bởi trước đó ngày 12.11.2007 cũng chính ông đã ký Công văn số 978 gửi Thường trực Tỉnh ủy cho rằng việc khiếu nại của ông Nghiêm là không có cơ sở để xem xét giải quyết (!?).

Khoản 4 và 5 Điều 32 Luật Khiếu nại tố cáo quy định không được thụ lý để giải quyết khiếu nại thuộc một trong các trường hợp: Thời hiệu khiếu nại, giải quyết khiếu nại tiếp đã hết. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (quyết định cuối cùng). Như vậy, Quyết định 1409 là văn bản không được thụ lý để xem xét, giải quyết lại.

Tiếp xúc với PV NTNN, ông Ninh bức xúc: “Ngày 28.12.2009, tức gần 8 năm sau, tôi nhận được quyết định giải quyết ngược lại hoàn toàn; buộc tháo dỡ nhà tôi để giao trả đất cho ông Nghiêm là bất hợp lý…”.

Ngày 30.11, trao đổi với PV NTNN, một cán bộ Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang là người trực tiếp tham gia đoàn giám sát của Viện Kiểm sát khẳng định: “Vụ việc ngay từ đầu được Viện Kiểm sát tỉnh xác minh một cách rõ ràng, sau đó thông qua hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại – tố cáo nhận được sự thống nhất rất cao”.

“Ở đây có sự “nhầm lẫn” là ông Nghiêm chỉ khiếu nại quyết định cưỡng chế hành chính diện tích chênh lệch so với quyết định cưỡng chế ban đầu là từ 58,41m2 lên thành 130m2, chứ không hề đả động gì tới Quyết định 1409”. Nhưng các cơ quan khác đã làm thay đổi toàn bộ quyết định trên là mâu thuẫn…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem