Mọt sách và mọt xã hội

Đỗ Đức Thứ hai, ngày 16/06/2014 11:26 AM (GMT+7)
Một người bạn tôi đi làm chuyên gia ở châu Phi về kể về chuyện thi cử của một trường kinh tế, rằng có một bài thi bắt buộc cho mỗi sinh viên. Đề như sau: Cho tổng thu nhập của một gia đình, hãy lên phương án chi tiêu trong tháng, làm sao hài hòa nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và các thứ chi phí lặt vặt khác. Cuối cùng phải có khoản tiền tiết kiệm.
Bình luận 0

Kết quả là một cục tiền cho 10 thí sinh thì có 10 phương án chi tiêu khác nhau. Là công chức, nhà giáo, người buôn bán nhỏ, nghệ sĩ, nhà chính trị, gia đình thể thao… mỗi nhà lại có những nhu cầu khác nhau, vậy cân đối thế nào?

Điểm bài thi này rất quan trọng, được đánh giá cao. Vì lý thuyết có sai sót còn học lại được, còn cách nghĩ điều phối đồng tiền cụ thể trong đời sống thì tính sai là lãng phí. Tôi nghe thấy phục quá, quả là sự sáng tạo trong cách giáo dục. Đó là sự kiểm nghiệm khoa học nhất.

Anh bạn tôi là giáo viên một trường trung cấp dạy nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh mấy chục năm, bao nhiêu học sinh ra trường, có đứa làm giàu bằng nghề. Vậy mà anh chưa từng thò tay sửa nổi. Anh bảo có lần tivi nhà hỏng phải đem đến xưởng sửa chữa mất cả tuần mới có cái xem.

Những việc rành rành ra thế mà khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành không kéo níu với nhau được, nghĩ là nói và làm ở ta có vẻ như tách bạch, nói hay nhưng làm thì… gay (go).

Chỗ tôi có một giáo sư tiến sĩ dạy trường chính trị cao cấp. Người ta gọi ông là nhà khoa học xã hội. Về lý luận công nông liên minh và chủ nghĩa xã hội ông làu làu, lên giảng đường nói hết buổi sáng không cần giáo án… Vậy nhưng khi về đến khối phố nơi ông ở, hầu như ông không có quan hệ gì với xung quanh.

Trong nhà thì lộn xộn bê bối chuyện gia đình vợ con, không giải quyết được. Chỉ nghe ông than: Dao sắc không gọt được chuôi. Có lúc bị căn vặn ông trả lời ráo hoảnh: Lý thuyết là một chuyện, còn cuộc sống nó khác. Vậy hỏi lý thuyết phục vụ cho cái gì thì ông tịt luôn.

Vấn nạn về đào tạo của ta là vậy. Bao nhiêu năm và bao nhiêu cuộc cải cách nhưng chưa chế ra được món keo đưa lý thuyết gắn vào cuộc sống. Sinh viên ra trường khó tìm việc vì cái khả năng thực tế kém cỏi này.

Nhìn cái ví dụ ở châu Phi kia thì mới thấy cách đào tạo ra con mọt của mình. Đầu tiên là mọt sách và sau đó là ăn mọt xã hội. Vô tích sự!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem