Một xã của tỉnh Bình Phước muốn biến 600ha đất thành vùng xen canh hai loại cây lương thực quan trọng
Một xã của tỉnh Bình Phước muốn biến 600ha đất thành vùng xen canh hai loại cây lương thực quan trọng
Thứ ba, ngày 26/09/2023 05:20 AM (GMT+7)
Hình thành vùng xen canh giữa cây bắp (ngô) và cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đưa bắp trở thành cây trồng chủ lực là chủ trương của xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, Bình Phước.
"Hình thành vùng xen canh giữa cây bắp (ngô) và cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đưa bắp trở thành cây trồng chủ lực của xã; mở hướng phát triển bền vững cho việc tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã trong tương lai. Đó là định hướng lãnh đạo xã Đăng Hà đang hướng đến nhằm cải thiện kinh tế người dân và góp phần phát triển phong trào nông thôn mới trên địa bàn” - ông Lục Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho biết.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây bắp, 2 năm trở lại đây, xã Đăng Hà đã bắt đầu hình thành những vùng xen canh giữa cây bắp và cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Chính quyền và Hội Nông dân xã từng bước vận động người dân chủ động chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp theo hình thức trồng xen canh từ 3 vụ lúa truyền thống sang 1 vụ lúa, 2 vụ bắp. Mục tiêu hướng đến là hình thành vùng chuyên canh, xen canh bắp nhằm giải bài toán phát triển kinh tế cho địa phương.
Là một trong những hộ gắn bó lâu năm với cây bắp cao sản, ông Trần Văn Dũng ở tổ 1, thôn 4 cho rằng, so với cây lúa thì khi trồng bắp trên đất trũng, ngập úng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. “Do khu đất nhà tôi thường xuyên bị ngập úng nên không thể trồng cây ăn trái. Vì vậy, tôi đã chọn bắp là cây trồng chính. Theo tôi, so với cây lúa thì cây bắp dễ trồng hơn, dễ thu hoạch, năng suất và giá bán cũng cao hơn” - ông Dũng cho biết.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực trồng bắp ở thôn 2, xã Đăng Hà, ông Chu Văn Tín, Bí thư Chi bộ thôn 2 vui vẻ chia sẻ: Thôn 2 có 50% diện tích đất trồng lúa nước thích hợp trở thành vùng xen canh cây bắp. Hiện chi bộ và đoàn thể thôn đã tuyên truyền, vận động người dân về chủ trương chuyển đổi cây trồng, xen canh của xã. Chúng tôi chứng minh hiệu quả bằng những việc làm cụ thể để bà con tham khảo. Bên cạnh đó, để nông dân thôn 2 nói riêng và xã Đăng Hà nói chung đồng lòng thực hiện rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước về giống, khoa học, kỹ thuật… như vậy thì chủ trương của xã sẽ được triển khai thực hiện nhanh hơn.
Đặc thù của Đăng Hà là xã thuần nông. Trong đó, bà con có truyền thống canh tác lúa nước. Trước mắt, địa phương đã hướng một số người dân, đặc biệt là những người có uy tín làm trước. Và khi nông dân thấy hiệu quả sẽ chuyển đổi theo. Dự kiến, Đăng Hà sẽ có ít nhất 600 ha lúa nước thích hợp thực hiện vùng trồng xen canh cây bắp - cây lúa. Ngoài ra, còn có hơn 100 ha đất trồng cây hằng năm, rau, củ, quả và hơn 2.300 ha trồng cây lâu năm.
“Địa phương đã liên hệ xã bạn Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để tạo điều kiện cho nông dân tập huấn kỹ thuật chuyên canh và trồng cây bắp khi có lớp. Song song đó, từng bước làm việc với các doanh nghiệp về quy trình bao tiêu sản phẩm từ việc cung ứng giống, kỹ thuật đến đầu ra” - ông Lục Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho hay.
Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trong nông nghiệp đang được chính quyền, ngành nông nghiệp cả nước khuyến khích, nghiên cứu mô hình. Trong đó, có chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp. Chính điều đó đã trở thành động lực lớn để xã Đăng Hà quyết tâm thực hiện chuyển đổi cây trồng, xây dựng vùng xen canh cây bắp và lúa.
Để phát triển cây bắp bền vững trong tương lai, theo chính quyền xã Đăng Hà, đầu ra ổn định và hệ thống hạ tầng là những vấn đề trọng tâm trong hành trình chuyển đổi cây trồng tại địa phương. Song song đó, Đăng Hà cũng định hướng nâng cao giá trị gia tăng từ cây bắp bằng việc phát triển đàn bò sữa tại địa phương để tận thu nguồn phụ phẩm từ cây bắp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.