Một xã của tỉnh Hải Dương được coi là 'thủ phủ' của những 'địa chủ' mới, với 60 hộ có từ 2 - 20ha đất
Một xã của tỉnh Hải Dương được coi là 'thủ phủ' của những 'địa chủ' mới, với 60 hộ có từ 2 - 20ha đất
Đỗ Quyết
Thứ sáu, ngày 29/03/2024 16:18 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, Thanh Miện luôn là đơn vị đi đầu của Hải Dương trong phong trào tích tụ ruộng đất, góp phần xoá bỏ ruộng hoang, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều nông dân của huyện đã làm giàu nhờ tích tụ ruộng đất.
Gắn bó với đồng ruộng từ khi còn nhỏ nên anh Trần Xuân Ái ở thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện, Hải Dương) chẳng thể ngồi yên khi những cánh đồng hoang hóa xuất hiện ngày càng nhiều.
Năm 2013, anh đứng ra thuê lại 7,2 ha ruộng của bà con trong thôn để cấy lúa. Sau gần 1 tháng cải tạo lại bờ kênh, mương máng, những cánh đồng mẫu lớn dần được hình thành.
Vụ đầu tiên anh gieo cấy toàn bộ diện tích bằng giống lúa Q5 vì cho năng suất cao, ít sâu bệnh. Thị trường thuận lợi nên năm đó anh Ái thắng lớn.
Những năm tiếp theo, hễ có ai bỏ ruộng là anh Ái tìm đến thuê lại. Ruộng nằm rải rác khắp nơi được anh chuyển về thành từng khu lớn hơn, sẵn sàng quy vùng sản xuất tập trung.
"Có thời điểm gia đình tôi có trong tay gần 50 ha ruộng ở 2 thôn Tiêu Lâm và La Ngoại. Những năm gần đây, giá thóc tăng cao nên đã có nhiều người xin nhận lại ruộng để gieo cấy.
Đến năm 2024, tôi còn khoảng 36 ha. Mỗi năm tôi trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu, tất cả đều áp dụng cơ giới hóa", anh Ái cho biết.
Gia đình ông Phạm Văn Tới ở xã Đức Chính, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương thuê gần 20 ha ruộng hoang ở xã Hồng Phong (Thanh Miện, Hải Dương) để trồng cà rốt.
Xã Ngô Quyền được coi là "thủ phủ" của những "địa chủ" bởi địa phương này có khoảng 60 hộ tích tụ ruộng đất với diện tích từ 2-20 ha.
Cũng vì người dân bám đất nên nhiều năm nay trên địa bàn xã không còn tình trạng ruộng bỏ hoang hoá. Thay vào đó là những cánh đồng mẫu lớn được quy vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Ngô Quyền, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình tích tụ ruộng đất với quy mô khá lớn.
Đây đều là diện tích ruộng bỏ hoang hóa hoặc chiêm chũng khó canh tác trước kia. Khi có quỹ đất lớn, người dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị bay về phục vụ sản xuất. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ có máy cấy, máy gặt, thiết bị bay, lò sấy...
"Gia đình tôi hiện có 21,5 ha ruộng tại các xã Ngô Quyền và Phạm Kha, trong đó 11 ha được cải tạo lại từ diện tích bỏ hoang.
Những năm qua, tôi đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, các cánh đồng hoang hoá năm xưa nay đã trở thành bờ xôi ruộng mật đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm", anh Thắng cho biết.
Nhờ tích tụ ruộng đất nên huyện Thanh Miện gần như không còn tình trạng bỏ ruộng hoang, chỉ còn số ít diện tích khó canh tác do gần các dự án giao thông, khu dân cư, cụm công nghiệp.
"Năm 2024, toàn huyện còn khoảng 10 ha ruộng bỏ hoang, giảm 160 ha so với năm 2020. Việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn đã tạo thuận lợi cho các hộ dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế", bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Miện cho biết.
Hiệu quả kinh tế cao
Năm 2022, ông Phạm Văn Tới ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) tìm về xã Hồng Phong (Thanh Miện) để thuê đất trồng cà rốt. Hơn 20 ha ruộng hoang hoá được ông thuê lại và chuyển đổi thành vùng trồng cà rốt lớn nhất huyện Thanh Miện. Vụ đông năm 2023, cánh đồng cà rốt của gia đình ông Tới thu hoạch trên 37 tấn/ha, tương đương với cùng kỳ năm trước. Với giá bán từ 3.500 - 4.000 đồng/kg, ông Tới thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
"Năm nay thời tiết không thuận lợi cộng với giá bán thấp nên lời lãi không đáng là bao. Tuy nhiên so với cấy lúa truyền thống thì cà rốt vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1-2 lần", ông Tới cho biết.
Năm 2023, giá thóc liên tục đạt đỉnh đã giúp các hộ dân tích tụ ruộng đất ở Thanh Miện phất lên trông thấy.
Với 36 ha trồng lúa và 18 ha trồng rau màu, mỗi năm gia đình anh Ái "bỏ túi" không dưới 500 triệu đồng. Hiện cơ sở sản xuất của anh còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động địa phương.
Để tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Ái đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để mua sắm máy móc và trang thiết bị. Hiện tất cả diện tích gieo trồng của gia đình anh đã được cơ giới hoá đồng bộ.
Ngoài trồng trọt, huyện Thanh Miện hiện có 26 trang trại chăn nuôi và 5 vùng nuôi thuỷ sản tập trung với diện tích lớn. Một số trang trại có doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm.
Điển hình như trang trại chăn nuôi của các hộ: Nguyễn Đức Hùng (xã Thanh Tùng), Nguyễn Văn Đồng (xã Đoàn Kết), Nguyễn Văn Liêm, Vương Trọng Triều (xã Tứ Cường); trang trại thuỷ sản của ông Phạm Văn Quất (xã Cao Thắng)…
"Thời gian qua, huyện luôn tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, Thanh Miện cũng có những chính sách riêng cho các hộ dân này như hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật...", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện Phạm Thị Nhung cho biết thêm.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Miện, hiện toàn huyện có 93 mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích hơn 790 ha, tăng hơn 100 ha so với đầu năm 2023. Thanh Miện cũng là địa phương có nhiều mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn nhất tỉnh. So với sản xuất nhỏ lẻ thì sản xuất tập trung đem lại giá trị kinh tế cao hơn từ 2-3 lần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.