Một xã của tỉnh Thái Bình phấn đấu thu 2.800 tấn thóc trong vụ xuân, lại toàn hàng đặc sản

Thứ hai, ngày 26/02/2024 06:13 AM (GMT+7)
Vụ xuân năm 2024, xã Đông Tân (Đông Hưng) gieo cấy khoảng 400ha lúa, trong đó 50ha được quy vùng cấy lúa hàng hóa để phục vụ chế biến thành sản phẩm gạo làng Giắng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành gieo cấy lúa xuân, phấn đấu năng suất đạt 75 tạ/ha trở lên, sản lượng thóc đạt trên 2.800 tấn.
Bình luận 0

Với mục tiêu giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng, xã Đông Tân (Đông Hưng, Thái Bình) đã chủ động xây dựng, triển khai đề án sản xuất sớm; chú trọng thực hiện tốt khâu thủy lợi và quy vùng sản xuất lúa hàng hóa với những giống lúa chất lượng cao, khai thác tối đa nguồn phân bón hữu cơ cho phát triển nông nghiệp xanh; đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. 

Các giống lúa được địa phương đưa vào gieo cấy là: Đài thơm, Bắc thơm, ST25, T10… Những giống lúa này có nhiều ưu điểm đó là khả năng thích ứng rộng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật canh tác trên địa bàn xã, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh, tạo ra hạt gạo trong, cơm dẻo, vị ngon đậm.

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Tân cho biết: Với điều kiện thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nếu không có nhu cầu cấy lúa thì nhượng lại ruộng, dồn đổi ruộng tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. 

Một xã của tỉnh Thái Bình phấn đấu thu 2.800 tấn thóc trong vụ xuân, lại toàn hàng đặc sản- Ảnh 1.

Nông dân xã Đông Tân (Đông Hưng, Thái Bình) tỉa dặm, chăm sóc lúa xuân 2024.

Toàn xã hiện có 12 máy cấy, diện tích cấy máy đạt 20%. Dù tỷ lệ cấy máy chưa cao song đã khẳng định rõ tính ưu việt không chỉ tiết kiệm nhân công, chi phí sản xuất mà còn giúp đẩy nhanh tiến độ thời vụ. 

Trong vụ sản xuất tiếp theo, HTX tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, phấn đấu 100% diện tích cấy máy bằng mạ khay. Ngay từ các vụ trước, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu gạo làng Giắng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. 

Đây là loại gạo được sản xuất theo quy trình chuẩn, kiểm định chặt chẽ ở tất cả các khâu bảo đảm an toàn, chế biến và đóng gói bằng dây chuyền hiện đại, cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao, được tiêu thụ tại nhiều siêu thị, cửa hàng trong cả nước. 

Gạo làng Giắng hiện được bán với giá 22.000 đồng/kg đối với giống gạo Đài thơm và ST25 bán với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại gạo được cấy theo phương pháp truyền thống. Thu nhập tăng, cấy các giống lúa này bà con nông dân rất phấn khởi nên vụ xuân này, HTX tiếp tục tổ chức cấy theo vùng tập trung 50ha, chăm sóc theo quy trình chuẩn OCOP nhằm tiếp tục tạo ra sản phẩm lúa gạo cho giá trị kinh tế cao hơn. Đây là cơ sở để nông dân xã Đông Tân bám ruộng, mở rộng diện tích tích tụ cấy lúa hàng hóa, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

 Ông Nguyễn Đình Dự, thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân là 1 trong 10 hộ của xã có diện tích tích tụ ruộng đất cấy lúa hàng hóa lớn với 5,4ha. 

Ông Dự phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi cấy nhiều, nếu không có máy móc hỗ trợ thì thời vụ kéo dài cả tháng cũng chưa xong. Tuy nhiên, nhờ đầu tư máy làm đất, máy cấy, tôi không chỉ cấy xong sớm diện tích của gia đình mà còn đi làm dịch vụ cho nhiều hộ trong xã và có thêm thu nhập. 

Đưa máy móc vào sản xuất không chỉ giảm công lao động mà còn cải tạo đất tốt hơn, cấy máy đều khóm giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhiều nhánh, tập trung, độ đồng đều cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, nhân công hơn so với phương pháp cấy lúa truyền thống.

Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất và gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên hiện nay các trà lúa xuân trên địa bàn xã phát triển tốt, cây lúa đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh, ra lá mới đến đẻ nhánh. 

Để tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao, bà con nông dân trong xã đang tập trung ra đồng tỉa dặm lại những diện tích lúa cấy không đều bảo đảm đúng mật độ kỹ thuật; làm cỏ, điều tiết nguồn nước tưới dưỡng vào ruộng để bón phân giúp cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh khỏe, tập trung; đồng thời, áp dụng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học để diệt chuột và diệt ốc bươu vàng. 

HTX tổ chức điều tiết nước hợp lý, cử các bộ bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân các kỹ thuật chăm sóc; thực hiện tốt khâu dự tính, dự báo, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại để phòng, trừ.

Hà Tuyết (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem