Một xã ở Bình Định có 90% dân số là người dân tộc Bana về đích nông thôn mới vì điều bất ngờ

Thăng Bình Thứ sáu, ngày 02/02/2024 13:47 PM (GMT+7)
Xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn - với gần 90% dân số là người đồng bào, đã làm nên kỳ tích khi là xã đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Bình Định, vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Bình luận 0

Xã đầu tiên ở Bình Định với 90% người đồng bào dân tộc thiểu số về đích nông thôn mới

Xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn, bởi Vĩnh An nằm cách trung tâm huyện Tây Sơn khoảng 15km, với gần 90% dân số là đồng bào Bana, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi.

Đến Vĩnh An hôm nay, chúng tôi ngạc nhiên trước sự đổi thay nơi vùng đất nghèo khó này.

Từ con đường làng, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đến những công trình trụ sở làm việc, thiết chế văn hóa đều được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế, đầy đủ tiện nghi.

Một xã ở Bình Định có 90% dân số là người dân tộc Bana về đích nông thôn mới vì điều bất ngờ- Ảnh 1.

Khung cảnh làng quê yên bình ở xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: TB.

Chị Đinh Thị Lương (SN 1995), ở làng Giọt 2, xã Vĩnh An cho biết, Vĩnh An được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, bà con mừng lắm. Vì thấy quê hương đổi mới, hạ tầng được xây dựng khang trang, đời sống bà con ngày thêm khởi sắc.

"Xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời khắc đón năm mới 2024, gần những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Chúng tôi ước nguyện một mùa xuân mới thắng lợi, hạnh phúc và no ấm đến với bà con", chị Lương nói.

Một xã ở Bình Định có 90% dân số là người dân tộc Bana về đích nông thôn mới vì điều bất ngờ- Ảnh 2.

Nhà văn hoá xã Vĩnh An. Ảnh: TB.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực rất lớn của địa phương phải kể đến sự quan tâm hỗ trợ rất lớn về mặt vật chất và tinh thần từ lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành của tỉnh. 

Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp, hỗ trợ của Mặt trận và các phòng, ban chuyên môn của huyện Tây Sơn trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, tại xã Vĩnh An.

Địa phương tận dụng mọi nguồn lực để đẩy mạnh hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một trong các vấn đề chính là nâng cao giảm nghèo đối với người dân trên địa bàn. 

"Đồng thời, đưa ra các mô hình sản xuất để bà con cùng thực hiện, nhằm cải tạo sinh kế. Bên cạnh đó, chính quyền tiếp tục tuyên truyền để người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập", ông Sơn cho hay.

Một xã ở Bình Định có 90% dân số là người dân tộc Bana về đích nông thôn mới vì điều bất ngờ- Ảnh 3.

Xã Vĩnh An vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế

Vẫn theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cũng hỗ trợ rất nhiều cho địa phương trong việc thực hiện và đạt chuẩn nông thôn mới.

"Chúng tôi đẩy mạnh thực hiện các dự án, tiểu dự án như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, phát triển cây trồng cho bà con địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng về nông thôn mới, thực hiện đúng phương châm: dân biết, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng", ông Sơn nói.

Nhờ sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự quan tâm, đồng thuận, chung sức ủng hộ của người dân, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Một xã ở Bình Định có 90% dân số là người dân tộc Bana về đích nông thôn mới vì điều bất ngờ- Ảnh 4.

Vĩnh An là xã khó khăn của huyện Tây Sơn nhưng đã tạo nên kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TB.

Đây là xã đầu tiên với gần 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới.

Vĩnh An hiện tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 4,73%, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,7 triệu đồng/người/năm.

An ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo, tinh thần đoàn kết trong đồng bào được thắt chặt, văn hóa truyền thống của đồng bào được gìn giữ và phát huy.

Kết quả xây dựng nông thôn mới của xã Vĩnh An được UBND tỉnh Bình Định công nhận là cơ sở, động lực để xã tiếp tục phấn đấu trong thời gian đến trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày thêm ấm no, hạnh phúc.

Một xã ở Bình Định có 90% dân số là người dân tộc Bana về đích nông thôn mới vì điều bất ngờ- Ảnh 5.

Nhiều công trình kiên cố xây dựng phục vụ cộng đồng. Ảnh: TB.

Ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, qua thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã Vĩnh An có nhiều khởi sắc.

Kết cấu hạ tầng nông thôn, được đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế.

"Nhiều công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, chợ, các thiết chế văn hóa thôn, làng được đầu tư xây dựng. Đã tạo điều kiện thuận lợi để thay đổi phương thức làm ăn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân", ông Hùng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem