"Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình": Truyền cảm hứng về hoà bình và hy vọng
"Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình": Truyền cảm hứng về hoà bình và hy vọng
Mạnh Tiến
Thứ bảy, ngày 08/06/2024 16:31 PM (GMT+7)
Chọn lên đường và dấn thân, chàng quân nhân Việt Nam - Trung uý Nguyễn Sỹ Công khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, đã truyền cảm hứng về hoà bình và hy vọng.
Được ví như "Hậu duệ mặt trời" phiên bản đời thực, "Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình" là cuốn sách được chấp bút bởi nhà báo Nam Kha, qua lời kể của Trung úy Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc Nguyễn Sỹ Công. Trung úy Công công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan, nơi cách Việt Nam hơn 8.500 cây số, và nội chiến vẫn diễn ra hằng ngày.
Cuốn sách “Mũ Nồi Xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình” được chia thành nhiều chương, gồm lời kể và hình ảnh về cuộc sống công việc, sinh hoạt của quân nhân Việt Nam đang làm nhiệm vụ.
Những người lính không trực tiếp cầm súng, họ vẫn có một cách riêng để gìn giữ hòa bình: Hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần tích cực. Sẽ có lúc, bạn đọc ngời ngời khí thế tự hào khi tác giả kể về hình ảnh lá cờ Tổ quốc: “Một bên để treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, bên còn lại treo lá cờ của Liên Hợp Quốc. Hai lá cờ như một lời khẳng định: Việt Nam là một quốc gia đã từng đi qua chiến tranh và nay sẵn sàng góp sức cùng Liên Hợp Quốc đem hòa bình thật sự đến với các quốc gia còn đang chìm trong khói lửa của bom đạn”.
“Để thể hiện lòng yêu nước và góp phần làm rạng danh tổ quốc trong lòng bạn bè quốc tế có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng cách đơn giản nhất, mỗi cá nhân phải luôn cố gắng chu toàn bổn phận, nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp nhất. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng nhận được sự đánh giá cao từ mọi người xung quanh. Tôi tin đây cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách chân thực và thuyết phục hơn bất kỳ lời mời nào” Anh Công chia sẻ thêm.
Qua những câu chuyện và loạt phóng sự ảnh từ "Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình" bạn đọc sẽ luôn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời, bản đồ đất nước hiện diện kiêu hãnh; thấy gương mặt của mỗi người lính luôn rạng rỡ nụ cười và thấy hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ qua những hành động đẹp.
Và ở nơi cách xa hàng vạn dặm, dáng hình đất nước vẫn hiện rõ nét qua những bộ trang phục áo dài, Tết Việt Nam trong căn cứ quân sự, tiếng hô vang “Chào cờ”, những cuộc thiện nguyện ở trường học hay làng mạc vẫn được tích cực thúc đẩy. Trung úy Công cùng đồng đội đặc biệt quan tâm đến những trẻ em, những công dân nhí Nam Sudan.
Gieo một ước mơ, một lý tưởng công việc hay một cảm hứng sống đẹp từ trang sách vốn là điều không xa lạ. Hành trình trong "Mũ nồi xanh Việt Nam: Người đi gieo hạt hòa bình" mở ra và truyền cảm hứng đến biết bao thế hệ bạn đọc về một nhiệm vụ vất vả, gian lao nhưng vô cùng tự hào. Ở phần kết cuốn sách, chàng trung úy trẻ bật mí đã nhận được quyết định tiếp tục công tác tại Nam Sudan.
Một cái kết có hậu nhưng cũng hứa hẹn mở ra hành trình tươi đẹp tiếp theo. Tin rằng, sau khi đặt cuốn sách xuống, sẽ có một thế hệ tân binh tình nguyện đăng ký lên đường, đến vùng tâm bão. Tất cả vì niềm tin vào một thế giới hòa bình trên mảnh đất Phi châu từ những công dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Hành trang bắt đầu là niềm tin, quyết tâm vì sứ mệnh của tổ quốc, nhưng hành trang trở về của những người lính mũ nồi xanh chắc chắn sẽ “nặng ký” hơn bởi tình cảm từ những công dân sở tại cùng bạn bè quốc tế.
Trên chuyến bay hồi hương, Trung úy Công cùng đồng đội để lại mảnh đất châu Phi âm sắc tiếng Việt, giai điệu, màu cờ sắc áo và những mến thương “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Hành trình của Nguyễn Sỹ Công cũng là hành trình của gần một nghìn chiến sĩ trẻ chọn lên đường và dấn thân, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại 3 phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.