Mua bán vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có bị tịch thu?

Phi Long Thứ ba, ngày 25/06/2024 06:41 AM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi mua bán vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định.
Bình luận 0

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tiếp tăng cao. Nhiều người dân cũng vì vậy mà thực hiện nhiều giao dịch mua vàng vào và bán ra. Trong thời điểm này, cơ quan chức năng rà soát, xử lý nhiều cửa hàng buôn bán vàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Điển hình nhất, tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh, thu giữ 719 sản phẩm vàng nữ trang không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, trong đó một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Sau đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt 21 vụ, số tiền gần 1,3 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Sau vụ việc, nhiều độc giả đặt câu hỏi với trường hợp mua bán vàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có bị tịch thu hay không?

Mua bán vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có bị tịch thu?- Ảnh 1.

Lực lượng QLTT Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra tại một cửa hàng trên địa bàn. Ảnh: TCQLTT

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, Khoản 13 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cụ thể như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo Điều 17 Nghị định này quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 -500.000 đồng đối với người nào thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà hàng hoá có giá trị dưới 1 triệu đồng. 

Mức phạt tiền sẽ càng lớn nếu như giá trị hàng hoá càng lớn, trong đó phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân nào vi phạm mà hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung là tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Luật sư Sơn cho biết, vì vàng là hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện (Mục 226 Luật Đầu tư 2020), do vậy theo Khoản 4, Khoản 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp chủ thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; Buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Như vậy, theo luật sư Sơn, việc kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem