Gần 12 trưa, trời tháng Bảy nắng như đổ lửa. Cơn gió Lào thổi khô khốc, hơi nóng hầm hập từ mặt đường hắt lên khiến da thịt bỏng rát. Trơ trọi bên góc đường, không một bóng cây, những "căn cứ" tạm được dựng tại khu phong tỏa tam giác Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ (TP.Đà Nẵng) như "nằm giữa sa mạc".
"Nóng lắm, chỉ cần nhìn ra đường thôi cũng đủ nhức mắt. Nhất là thời điểm từ 11 giờ đến 15 giờ chiều, nhiều hôm trực chốt xong là về say nắng luôn", một nữ cán bộ trực chốt nói.
Ngày 24/6, Đà Nẵng quyết định phong tỏa "cứng" khu vực tam giác Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ sau khi ghi nhận hàng loạt ca mắc Covid-19 tại đây. Hơn 2.000 người dân sinh sống trong khu vực này được yêu cầu hạn chế tiếp xúc tối đa và khai báo y tế bắt buộc hằng ngày. Những kiệt, hẻm cũng được phong toả 2 lớp, lực lượng công an phường, dân quân, y tế luôn có mặt túc trực để đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Tranh thủ giấc trưa, em Đoàn Duy Phong (phường Thạch Gián, quận Thanh Khê) bước vào "căn cứ" rót ly nước, uống sạch. Phong bóc phần ăn vừa giao tới được nửa chừng rồi nhanh chóng buộc lại.
"Nắng quá, không thể ăn nổi", Phong cười méo vì nắng.
Hôm nay đã là ngày thứ 13 Phong tham gia chống dịch cùng các lực lượng tại điểm nóng. Phong "khoe" rằng mình đã có kinh nghiệm trong việc đứng chốt từ các mùa dịch trước nên không cảm thấy lo lắng hay áp lực gì nhiều.
Hằng ngày, công việc của Phong là hỗ trợ các lực lượng kiểm soát người dân ra vào, giao nhận hàng tại các đầu kiệt trong khu vực tam giác. Phong cho biết việc "gác cổng" tại nơi đang thực hiện cách ly y tế khiến nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ. Nhưng vì cái chung nên Phong và các bạn thanh niên tình nguyện khác đã gạt nỗi sợ của mình qua một bên để hoàn thành nhiệm vụ.
"Chuyện dãi nắng dầm mưa, ăn vội, ngủ trễ... là hết sức bình thường. Trong thời gian đi chống dịch, đối diện với nhiều tình huống khó khăn, đó sẽ là bài học giá trị cho bản thân em và hơn cả là chung tay bảo vệ cộng đồng trước đại dịch", Phong cười nói qua lớp khẩu trang đã thấm mồ hôi.
Mùa bóng đá đặc biệt
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đà Nẵng quyết định lập 12 chốt kiểm soát hoạt động 24/24h tại tất cả cửa ngõ ra thành phố. Chính quyền Đà Nẵng yêu cầu các lực lượng siết chặt việc kiểm dịch tại các chốt, ngăn chặn nguy cơ Covid-19 xâm nhập từ các địa phương.
Chốt kiểm dịch cuối đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) điểm 1 giờ sáng. Mặc dù đã quá khuya nhưng lượng phương tiện qua lại tại khu vực này vẫn còn khá đông. Trong đêm tối, bóng người đổ dài dưới ánh đèn đường lúc nhúc. Tiếng động cơ xe tải hạng nặng ì ạch qua chốt khiến đêm càng thêm sâu.
Trái ngược với không gian vắng vẻ bên trong thành phố, hơn chục cán bộ thuộc các lực lượng công an, y tế, tình nguyện viên… ai cũng miệt mài với phần việc của mình tại điểm chốt. Bên cạnh, bữa tối của họ vẫn còn xếp chồng lên nhau.
Lau vệt mồ hôi lấm tấm trên trán, đại uý Trần Linh tranh thủ ngồi xuống ghế để đôi chân đỡ mỏi vì phải đứng suốt cả buổi. Đại uý Linh chia sẻ, công việc của CSGT hầu như là đứng ngoài đường vì phương tiện qua lại đông, cần được hướng dẫn vào khai báo y tế. Ngoài nhiệm vụ trực chốt, mỗi chiến sĩ được nghỉ 6 tiếng, sau đó tiếp tục làm các nhiệm vụ khác.
Nói thêm về kỷ niệm trong những ngày đứng chốt, đại úy Linh cho hay, lần đứng chốt đợt này có phần đặc biệt hơn mọi khi bởi như mọi năm nếu không làm nhiệm vụ, anh sẽ cùng bạn bè và gia đình quây quần bên nhau xem đá bóng.
"Mùa hè năm nay là một mùa hè rất đặc biệt. Tôi phải thay đổi thói quen mọi năm. Nhiều khi muốn xem lắm nhưng mình tự nhủ không được, làm cho xong nhiệm vụ rồi xem sau cũng được. Bởi tại chốt, đặc biệt là vào buổi khuya, các xe thường chạy rất nhanh, không thể lơ là. Chúng tôi quyết tâm không bỏ trống mặt đường, không để lọt bất kỳ người dân và phương tiện nào từ vùng dịch qua chốt vào thành phố", đại úy Linh nói.
Những ngày ở "điểm nóng" là thời gian các thanh niên tình nguyện đẫm mồ hôi, thức đêm, căng mình vì mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh. Màu áo xanh ngày nào giờ đã trở nên chuyên nghiệp hơn khi mỗi ngày phải tiếp xúc với hàng trăm người qua lại khai báo y tế.
Chỉ mới vào ca khoảng vài chục phút nhưng chiếc áo xanh của Nguyễn Cao Sang (quận Ngũ Hành Sơn) đã ướt đẫm mồ hôi. Tay trái cầm bảng mã QR, tay phải cầm điện thoại thông minh, suốt buổi Sang như con thoi chạy qua lại để giải đáp các thắc mắc cho bà con. Hàng trăm câu hỏi được người đi đường đặt ra với Sang. Nhưng Sang không hề khó chịu hay cau có.
"Thời điểm căng thẳng nhất trong ngày là vào cuối giờ chiều cho đến tối, bởi lượng người, xe qua lại rất nhiều. Chúng mình phải liên tục hướng dẫn, liên tục hướng dẫn cho bà con khai báo y tế, quét mã QR theo đúng quy định. Nhiều trường hợp thậm chí còn buông lời cau có, gắt gỏng khi bị yêu cầu xuất trình một số loại giấy tờ cần thiết. Chúng mình phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn, giải thích cho họ hiểu để cùng hợp tác. Nhiều khi về đến nhà mệt quá nằm dài luôn", Sang nói.
Cũng như đại úy Linh, Sang là "fan cứng" của bóng đá. "Những đêm trực tại chốt, bạn bè điện thoại bảo nhau bàn tán sôi nổi về trận bóng, mình chỉ biết cười trừ vì còn nhiệm vụ quan trọng hơn cần làm. Về khuya, khi đường xá đã thưa người qua lại, mình sẽ mở điện thoại để một bên, chỉ để nghe thôi, tâm thế thì luôn tập trung cho nhiệm vụ. Tai nghe nhưng tay vẫn làm. Đây cũng như là một kỷ niệm đáng nhớ đối với mình", Sang chia sẻ thêm.
Không có chiến thắng nào là dễ dàng, nhất là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Những giấc ngủ chập chờn tại chốt, ban ngày đội nắng, đêm xuống phơi sương. Trên tất cả những điều ấy, họ vẫn chấp nhận gác niềm riêng để chiến đấu giữa chiến trường không tiếng súng nhưng cũng lắm nguy hiểm, gian nan này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.