Thương mại điện tử tăng trưởng "sốc", cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

An Linh Thứ bảy, ngày 02/12/2023 07:00 AM (GMT+7)
Với sức tăng trưởng hơn 25%/năm, thị trường thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn 15 năm trở lại đây có mức tăng trưởng vũ bão, giúp khoảng cách giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng ngắn lại.
Bình luận 0

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng "sốc"

Trong báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử năm 2023 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa phát đi, dấu ấn quan trọng được đề cập đến là thị trường và khách hàng tham gia thương mại điện tử ngày càng mở rộng; đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Ước tính quy mô thị trường điện tử của Việt Nam năm 2023 ước đạt trên 20 tỷ USD, mức tăng trưởng trên 20% và Việt Nam là 1 trong 10 nước có thị trường tăng trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Thương mại điện tử tăng trưởng "sốc" 20%/ năm, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt? - Ảnh 1.

Các chương trình kết nối giao thương về thương mại điện tử ngày càng được thúc đẩy, là thực tế và đòi hỏi khách quan của thời cuộc (Ảnh: BCT).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương và các chuyên gia về thương mại điện tử, kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào các sàn thương mại lớn như Shopee, Tiki, Tiktok, Facebook hay các nền tảng xã hội thương mại như EBay, Amazon... Trong khi một số doanh nghiệp trong nước tự phát triển chợ thương mại điện tử hoặc duy trì kênh thương mại điện tử đơn thuần đối diện với khó khăn với thu thập khách hàng, gia tăng doanh số.

Phần lớn giá trị bán hàng của doanh nghiệp Việt phải dựa vào các kênh bán hàng của doanh nghiệp lớn hoặc đối tác xuyên biên giới. Trong khi thị trường Việt Nam nhỏ hẹp, khó có cơ hội cho nhiều doanh nghiệp cùng chung mâm, chung nhau khai thác giá trị; các sản phẩm Việt cần vươn ra thế giới để quảng bá thương hiệu, khai thác giá trị gia tăng nước ngoài rộng mở. Điều này chỉ có được khi các doanh nghiệp Việt đầu tư công nghệ, liên kết, hợp tác công nghệ với các sàn thương mại điện tử lớn của thế giới để mở rộng và khai thác thị trường rộng lớn, không rào sản.

Theo VECOM, các dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử hiện nay có thể kể đến, đó là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên và đặc biệt, người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Về nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm, các thương nhân, doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số. Trong đó đa phần chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới".

Xét về lĩnh vực xuất nhập khẩu, đây được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động hậu Covid-19 và những hệ lụy kéo theo, lĩnh vực xuất nhập khẩu những năm qua cũng chịu nhiều tác động lớn, đặc biệt khi việc di chuyển kết nối giao thương bị hạn chế càng tác động tiêu cực hơn tới quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành.

Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã năng động ứng dụng các giải pháp kinh doanh online thông qua thương mại điện tử, mở rộng kênh tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước với mức chi phí thấp và hiệu quả cao. Lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng đang dần trở thành một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành thời gian vừa qua.

Trước đó, ngày từ 28/12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2924/QĐ-BCT việc phê duyệt Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023. Để thực hiện chủ trương này, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt, chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Theo Bộ Công Thương, các chương trình kết nối nói trên giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu được tiếp cận các xu hướng kinh doanh trực tuyến nói chung và lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến, được tham gia tương tác kết nối với những doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp kinh doanh online, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến.

Thông qua chương trình cũng giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành hoặc sắp sửa đổi, những thuận lợi và khó khăn trong việc phối hợp, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp; qua đó thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và định hướng xuất khẩu trực tuyến.

Hiện quy mô thương mại điện tử bán lẻ vẫn tập trung ở hai đầu tàu trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, còn lại các tỉnh thành khác có nguồn cung ứng hàng hóa đa dạng, chất lượng nhưng chưa được thúc đẩy phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có.

Chính vì vậy, việc kết nối thương mại điện tử giữa nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng cần được ứng dụng nhanh chóng, kịp thời để xoá nhoà khoảng cách phát triển. Để phát triển thương mại điện tử toàn diện ở các địa phương, vùng miền, ngành và lĩnh vực cần có nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử đi kèm với bảo vệ thiên nhiên môi trường, hướng tới một nền thương mại điện tử xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem