Mùa nước nổi An Giang: Chờ lũ về từng ngày, cá linh vẫn...biệt tăm

Chủ nhật, ngày 08/09/2019 08:00 AM (GMT+7)
Người dân An Giang có câu: “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” là thời điểm nước lũ về tràn ngập ruộng đồng, để cùng nhắc nhau sớm thu hoạch nông sản, hoa màu nếu không sẽ gây thiệt hại. Nhưng năm nay, đã hết tháng 8 mà nước lũ vẫn còn thấp hơn so với các năm trước.
Bình luận 0

Đợi nước vào đồng

Hàng năm, cứ đầu tháng 7, nước từ thượng nguồn đổ về sông Cửu Long mang theo phù sa, tôm cá tràn vào ruộng đồng. Vậy mà đến thời điểm hiện nay, cánh đồng thuộc các huyện: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, TX. Tân Châu nằm ven kênh rạch, sông Hậu, sông Tiền… khô cạn phù sa. Nước rất thấp so với độ cao bờ ruộng cho nên không thể tràn đồng.

img

Người dân chờ lũ về từng ngày.

Đã hơn 30 năm gắn bó cùng cây lúa, cũng là bấy nhiêu năm ông Phan Văn Dũng (55 tuổi, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) đón lũ, nhưng chưa bao giờ thấy con nước thấp như vậy. Theo ông Dũng, năm 2015 lũ thấp nhưng mực nước vẫn vào được đến đồng, có lũ bà con nhà nông mở đồng đón, vừa tháo chua rửa phèn, vừa cho đất nghỉ ngơi.

“Nước lũ vào đồng giúp nông dân xua đuổi chuột bọ, sâu rầy, đè chết cỏ dại, bà con không tốn tiền mua thuốc trừ cỏ hay tiền mua phân bón cho đất. Vậy mà bây giờ, nước ở đồng chỉ xâm xấp, phần nhiều do nước mưa ứ đọng”- ông Dũng lo ngại.

Theo kế hoạch, năm nay An Giang cho xả lũ hơn 20.000ha để giảm áp lực năng suất lúa nếp và làm đất thêm phì nhiêu. Nhưng với tình hình nước lũ thấp như thế, nhà nông lo ngại lượng phù sa vào đồng sẽ giảm.

Lão nông Nguyễn Văn Đàng (ấp Bình Quới 1, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) cho biết, mấy năm trước, nước lũ về, địa phương chủ trương mở đồng đón lũ, được phù sa bồi đắp, nhờ vậy giúp nông dân bớt tốn kém từ 200-300.000 đồng/công cho tiền mua thuốc xịt cỏ, phân bón, thuốc diệt côn trùng.

“Ruộng đồng có phù sa nhìn khác hẳn, lúa nếp gì cũng đều tươi tốt, xanh mơn mởn, bớt tốn kém chi phí phân, thuốc mà lại có năng suất. Vậy mà năm nay nước lũ vẫn chưa về, nông dân tụi tui chờ nước về từng ngày, mà giờ này rồi, còn gì mà lũ nữa”- ông Đàng tiếc nuối.

Cá linh không về

Năm 2018, ngành chức năng phải cho xả lũ sớm hơn thường lệ ở 2 đập Tha La và Trà Sư (Tịnh Biên) nhằm giảm áp lực nước tránh vỡ đập. Nhưng năm nay, nước lũ tại 2 đầu bờ đập này khô queo.

“Vụ lúa vừa qua giá thấp nên lỗ, chờ lũ về kiếm tôm, cá còn gỡ gạc, nhưng ai ngờ được đã thất bát mùa lúa, nay lại không có lũ làm gì có cá mà trông”- ông Dương Minh Thiện, xã Phước Hưng (huyện Tịnh Biên) than thở.

Nhà được 10 công đất trồng lúa, năm nào lũ cũng vào đồng nên ông Thiện tranh thủ bắt cá linh, cá sông, cá đồng, 1 ngày “trúng mánh” dính vài chục kg cá đem ra chợ bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Khi lũ rút, không chỉ riêng gia đình ông Thiện mà hầu như nhà nào cũng dư giả vài chục triệu đồng từ nguồn lợi cá tự nhiên. Nhưng năm nay lũ thấp, tôm cá từ thượng nguồn không về.

img

Những con cá linh ít ỏi ở những năm trước đến giờ vẫn chưa xuất hiện.

Điều lo nhất của ngư dân vùng đầu nguồn là mất trắng mùa cá linh, loài cá chỉ xuất hiện trong nước lũ với số lượng rất lớn, giúp nhiều gia đình có được ăn cái ăn, cái mặc. Thông thường, cá linh tháng 7 đã có và tháng 8 cá lớn bằng đầu đũa bán từ 70.000-300.000 đồng/kg, nhưng đến giờ, ngư dân thả lưới trên sông, rạch chỉ bắt được cá chốt, cá lăng, cá sát, cá hú…

Không có con cá linh non nào dính lưới, đây là điều chưa từng xảy ra trong nghề cá. Ông Nguyễn Văn Lợt (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) sống gần 30 năm với nghề cá lo lắng bởi một ngày thả lưới có khi về tay không.

“Mấy ngày nay, các vựa cá gọi điện hỏi tôi mua cá nhưng cá mắm ít quá nên đâu có mà bán”- ông Lợt cho biết. Nước không có, không chỉ người dân An Giang mà cả bà con miền Tây sắp phải đối mặt với mùa lũ cạn phù sa, cạn tôm cá, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của nông dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, ứng phó tình trạng khô hạn, cạn lũ, thiếu nước tưới tiêu, tỉnh sẽ tập trung nạo vét các hồ trữ, bố trí những cây trồng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng có lợi… Đồng thời, tỉnh cảnh báo người dân không nên chủ quan với lũ thấp hay không có lũ; yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương lên kịch bản ứng phó lũ lớn, đề phòng tình huống từ thượng nguồn nước đổ về do mưa bão bất thường, do xả đập...

Ánh Nguyên (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem