Nhà mạng đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra nghi án làm giả thẻ cào điện thoại có tổ chức, nhưng "không thể can thiệp sâu vào giao dịch phát sinh giữa đại lý và người tiêu dùng".
Trao đổi với PV về việc có đối tượng lừa đảo làm giả thẻ nạp điện thoại mệnh giá 100.000 đồng của Viettel, Thiếu tá Nguyễn Anh Minh, Phó giám đốc chi nhánh Viettel Đắk Lắk cho biết đã báo cáo trường hợp này với Tập đoàn. Chi nhánh cũng phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để điều tra, do nghi ngờ đây là trò lừa đảo có tổ chức.
|
Thẻ giả được cắt dán thủ công và xóa số series để "làm khó" nhà mạng khi điều tra. |
Số thẻ cào giả vừa phát hiện tại Đắk Lắk được làm rất thô sơ, bằng cách bóc tách lớp tráng bạc trên thẻ có mệnh giá thấp, sau đó dán chồng lên phần mã số của những thẻ có mệnh giá cao hơn. Lợi dụng sự bất cẩn của đại lý bán thẻ hoặc người mua, kẻ gian dễ dàng đánh tráo thẻ thật bằng thẻ giả.
Một nguồn tin từ Viettel cho biết hình thức lừa đảo này không mới mà đã xuất hiện từ năm 2010, ngay sau đó nhà mạng đã cảnh báo trên các kênh truyền thông của mình. "Những kẻ lừa đảo đã dán đè lớp tráng thẻ lên nhau, thậm chí còn tẩy xóa series để tránh việc bị phát hiện", người này cho biết. Theo nguyên tắc, các loại thẻ cào khi được nhà mạng phát hành ra thị trường, đến tay các đại lý đều được ghi chép cẩn thận số series để quản lý.
Tập đoàn Viettel chưa phát ngôn chính thức về vụ việc. Một nguồn tin nội bộ khẳng định sau khi được thông báo về trường hợp thẻ giả trở lại, hãng đã thông báo đến tận nhân viên tuyến xã trên cả nước, không riêng gì Đắk Lắk. Các chi nhánh địa phương có nhiệm vụ cảnh báo đến các đại lý thẻ để tránh thiệt hại cho bản thân cũng như khách hàng.
Nguồn tin này cho biết đây là biện pháp duy nhất lúc này có thể bảo vệ được người sử dụng trước loại hình lừa đảo như trên.
"Ở đây, bên nào cũng chịu thiệt, dù là đại lý, người mua hay nhà mạng. Viettel khó bảo vệ quyền lợi khách hàng này bởi thẻ giả không phải do Viettel và kẻ lừa đảo cũng không là nhân viên hãng", vị này nói.
Đại diện Mobifone và Vinaphone cho biết thời gian gần đây chưa nhận phản ánh nào từ phía đại lý hay khách hàng về hiện tượng trên. Một đơn vị xác nhận từng là nạn nhân của trò lừa đảo bằng thẻ giả, nhưng đến nay đã chấm dứt.
Các nhà mạng đều cho biết, công nghệ làm thẻ hiện nay khá hiện đại, gồm nhiều lớp khác nhau nên rất khó để làm giả, đến nay cũng chưa phát hiện trường hợp nào làm nhái thẻ tinh vi. Sau khi phát hành thẻ ra thị trường, nhà cung cấp đứng ngoài các giao dịch mua bán thẻ giữa đại lý và tư nhân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng doanh nghiệp phải có các biện pháp bảo vệ khách hàng, không thể xem như mình không liên quan. "Các đơn vị có trách nhiệm chống gian lận trên tài sản của mình. Việc xảy ra không chỉ gây thiệt hại về tài sản của khách hàng, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp", ông Hùng nói.
Theo ông, khách hàng cần liên hệ với Hội bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương để được đảm bảo về quyền lợi trước các hành vi gian lận, lừa đảo tiêu dùng. Ông cũng khuyến cáo người dùng nên xem xét thật kỹ các mặt hàng trước khi mua để tránh thiệt hại.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.