Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Doanh nghiệp lợi, nông dân thì không!

Thứ hai, ngày 05/03/2012 15:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có kiến nghị Chính phủ cho thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo thông qua giải pháp hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ ở mức thấp nhất.
Bình luận 0
img
 

Việc tạm trữ này, sẽ đem lại lợi nhuận cho nông dân hay doanh nghiệp (DN)? Phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.

TS Lê Văn Bảnh nhận định: Việc kêu gọi thu mua tạm trữ lúa gạo là căn bệnh triền miên, từ năm này qua năm khác, do điệp khúc được mùa - rớt giá. Về nguyên tắc, các DN của chúng ta đã xuất khẩu gạo cả mấy chục năm nay, đáng lẽ họ phải chủ động được nguồn nguyên liệu, có kho tàng để chủ động thu mua tạm trữ cho bà con vào những thời điểm như thế này. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp không có hợp đồng với bà con nông dân, nên mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng lúa nhiều, bà con lại không có chỗ chứa, như vụ này ở ĐBSCL có đến 11 triệu tấn lúa...

Phải giám sát việc thu mua tạm trữ

Câu chuyện VFA đề nghị thu mua tạm trữ lúa gạo hầu như năm nào cũng diễn ra. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một đánh giá về hiệu quả của chủ trương này?

- Trong việc thu mua tạm trữ lúa gạo này, chúng ta cần phải có sự giám sát, mà trách nhiệm ở đây chính là thuộc về Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương. Bởi các DN khi đề xuất được mua tạm trữ, tức là đề nghị được hỗ trợ về lãi suất và khi được Chính phủ chấp thuận hỗ trợ cho mua tạm trữ, họ thường không mua ào ạt, mà cứ mua cầm chừng. Cho đến khi dân bán hết lúa với giá thấp, tiền hỗ trợ của Nhà nước mới đưa xuống, thì chỉ có DN được hưởng, cuối cùng thực chất nông dân chẳng được hưởng lợi gì.

Theo tôi, việc thu mua tạm trữ là đúng, vì với tình trạng như hiện nay, giá lúa xuống thấp quá, nông dân đang rất thiệt thòi. Nhưng khi cho DN mua tạm trữ, Nhà nước cũng phải ra điều kiện, yêu cầu họ mua dứt điểm ngay, vì tháng 3 này người dân đang thu hoạch rộ, nếu để sang tháng 4, 5 mới mua, thì chính sách đó sẽ không có hiệu quả, trong khi đến tháng 6, 7, chúng ta đã lại có lúa hè thu.

Trong năm 2011, Việt Nam xuất khẩu được tới 7,2 triệu tấn gạo, thu về gần 4 tỷ USD, trong đó các DN được rất nhiều lợi nhuận từ giá trị đó. Vậy theo ông, tại sao họ không chủ động bỏ vốn để mua tạm trữ gạo, mà cứ đòi Chính phủ hỗ trợ?

- Mỗi khi đề xuất thu mua tạm trữ, thường bao giờ họ cũng nêu lý do, nhất là không có kho tàng, bến bãi để chứa, nên không mua được ồ ạt lúa gạo cho dân... Họ cứ nói như thế, các cơ quan chức năng cũng đành nghe và chịu. Cũng đã có nhiều người phản ánh với tôi về vấn đề này, họ bảo Bộ trưởng Tài chính thường "truy" về việc kinh doanh của các DN điện, than, xăng dầu… sao không thấy "truy" mấy doanh nghiệp lương thực thử xem sao.

Tôi được biết, năm nào hai Tổng Công ty Lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2, mỗi đơn vị cũng lãi từ 3.000-5.000 tỷ đồng. Họ lãi nhiều như vậy, nhưng không hiểu sao, họ không đầu tư kho chứa để chủ động thu mua tồn trữ, tự chủ động nguồn nguyên liệu cho mình, mà cứ để đến lúc gần vào vụ lại "khóc", đòi "mẹ" (Nhà nước) cho "bú" (hỗ trợ lãi suất). Cứ mỗi lần “khóc”, lại được đáp ứng, nên họ cứ “khóc” hoài.

Mặt khác, nếu Chính phủ không đồng ý, họ sẽ cứ vin vào cái cớ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo có lời 30% trở lên cho nông dân trồng lúa, nên nếu không cho tạm trữ mà giá có xuống là không phải do họ...

img
Theo TS Lê Văn Bảnh, nông dân không được hưởng lợi từ việc thu mua tạm trữ lúa gạo của các doanh nghiệp.

Xét về đạo lý, việc làm của các DN hiện nay có vẻ không thỏa đáng với những người trực tiếp làm ra hạt gạo cho mình xuất khẩu?

- Đúng vậy, xét về đạo lý, họ làm vậy là không chấp nhận được, vì nếu không có nông dân sản xuất ra lúa, họ lấy cái gì để mà bán. Khi nông dân sản xuất ra lúa cho họ, họ lại đưa ra yêu sách nọ kia. Chúng ta vẫn nói là phải khoan sức dân, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, nông dân thấy làm ruộng hấp dẫn thì mới làm. Chứ không như kiểu này, giá cứ lúc lên, lúc xuống, họ bị chèn ép nhiều, sẽ đến lúc họ bỏ ruộng, lúc đó DN lấy đâu ra gạo để bán.

Không nên đưa tiền cho doanh nghiệp

Thái Lan và nhiều nước xuất khẩu gạo khác thực hiện rất tốt chính sách thu mua tạm trữ và ít xảy ra sự bị động như chúng ta. Theo ông, vì sao họ làm được điều này?

- Không riêng Thái Lan, kể cả Ấn Độ, họ cũng thường tạm trữ gạo qua năm thứ 1 - 2 rồi mới bán, thành ra các nhà nhập khẩu nước ngoài rất muốn ăn gạo Việt Nam do là gạo tươi, mua tại ruộng, xay rồi bán luôn. Còn ở Thái Lan, họ thực hiện chính sách nhất quán là, nếu DN không thu mua hết lúa cho dân, Nhà nước sẽ đứng ra mua để tồn trữ, sau đó tổ chức đấu giá cho các DN có nhu cầu xuất khẩu. Trong khi ở mình, lại làm ngược lại, nghĩa là Nhà nước đưa tiền cho DN đi mua lúa gạo của dân. Khi đã đưa tiền như thế, DN họ muốn mua thì mua, còn không cứ mua từ từ, đợi giá xuống thấp, để càng có lợi cho mình.

Như thế, việc tạm trữ, thực chất chỉ phục vụ lợi ích cho DN. Vậy theo ông, Nhà nước có nên chấm dứt chính sách này hoặc có biện pháp nào đó để đảm bảo có lợi cho nông dân?

- Không có tạm trữ, không được, vì lúa bây giờ dân làm nhanh lắm. Chỉ cần 3 tháng đã xong một vụ lúa, nếu không tạm trữ, dân biết để vào đâu, vì họ không có kho chứa. Bây giờ, chỉ có cách làm sao giữa nông dân và DN phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hay có sự đặt hàng sản phẩm. Vì lý do này, Bộ NNPTNT mới phải đưa ra mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", nhưng hiện quy mô vẫn còn nhỏ quá, mới đạt vài chục nghìn ha.

Dù có sự liên kết hay không, cuối cùng để xuất khẩu gạo được vẫn phải qua "bàn tay" độc quyền của VFA. Có vẻ như giải quyết chuyện này không hề dễ dàng?

- Đúng như thế, dù thế nào, Nhà nước vẫn phải ra tay, nếu không DN họ cứ nằm kêu, nếu không mua sẽ gây khó khăn cho người nông dân, dẫn đến không ổn định được về kinh tế vĩ mô. Chuyện này năm nào cũng vậy, nên Nhà nước cũng phải có chính sách như thế nào đó.

img Các DN kinh doanh xuất khẩu lương thực của chúng ta hiện nay vẫn làm ăn kiểu như đi hàng chợ. Có những DN như tôi biết, họ đi ra nước ngoài ký hợp đồng xuất khẩu trước, rồi mới về tổ chức thu mua lúa gạo trong dân. img

Tại sao lúa gạo của Thái Lan vẫn im ắng vậy, như Chính phủ họ tuyên bố mua của dân tới 500USD/tấn, trong khi chúng ta đi chào hàng xuất khẩu giỏi lắm giá mới được 500USD/tấn. Hay như Ấn Độ, họ tạm trữ gạo để đề phòng thiên tai, bão lụt, tới khi dư thừa, họ lại đổ gạo mới vào, bán gạo cũ ra. Vấn đề bảo quản sản phẩm lương thực này, chúng ta cũng cần có chủ trương, chính sách dài hạn.

Ông có cho rằng chính việc đề nghị thu mua tạm trữ là nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta bị ép giá trên thị trường thế giới do họ nắm được điểm yếu của ta?

- Đây đúng là điều phải suy nghĩ. Thế giới họ thấy mình đang thu hoạch lúa nhiều, cộng với việc họ biết DN mình đang yếu kém về vấn đề tồn trữ, họ biết mình sẽ bán rẻ, nên họ cũng chờ chưa ký hợp đồng mua vội để ép giá. Hôm vừa rồi, đại diện Cục Lúa gạo của Thái Lan có qua làm việc với tôi, họ bảo cứ để Việt Nam bán gạo thoải mái, họ không lo, chỉ đến khi nào, họ thấy được thì mới bán, còn không cứ cất ở đây. Sở dĩ họ không sốt ruột, vì họ có kho tàng, có vốn để tồn trữ, nên muốn bán khi nào, thì bán. Chứ không như ở ta, mới chỉ có tồn vài triệu tấn đã kêu um cả lên.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem