Mục đích thực sự đằng sau việc Nga huy động 175.000 quân áp sát Ukraine

Đăng Nguyễn - NY Times Thứ hai, ngày 06/12/2021 13:25 PM (GMT+7)
Có nhiều lý do dẫn đến việc Nga cảm thấy cần huy động một lượng lớn quân đội áp sát biên giới Ukraine. Nhưng lý do quan trọng nhất nằm ở mối quan hệ phức tạp giữa hai nước trong hàng trăm năm lịch sử
Bình luận 0

img

Nga không chấp nhận phương Tây can thiệp sâu rộng vào Ukraine, quốc gia có mối liên hệ mật thiết với Nga.

Theo New York Times, khi tập trung tới 175.000 quân gần biên giới Ukraine, Nga đã gửi thông điệp rõ ràng rằng, nước này quan tâm đến tương lai của quốc gia láng giềng phía tây nam nhiều hơn những gì phương Tây có thể làm.

Trong các bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn vài năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nêu quan điểm rằng người Nga và người Ukraine đều có chung một dân tộc, rằng người Ukraine đang sống trong chính quyền chịu sự chi phối của phương Tây.

Kể từ khi Tổng thống thân Nga bị lật đổ năm 2014, Ukraine đang xích lại gần hơn với phương Tây, chứng minh sự khác biệt so với Nga.

Nhưng quan điểm của ông Putin cũng là quan điểm của số đông người dân Nga, đặc biệt là những người có mối liên hệ với Ukraine qua nhiều thế hệ, qua sự tương đồng về văn hóa, kinh tế và lối sống, báo Mỹ nhận định.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình Nga-Ukraine căng thẳng đến mức Moscow huy động tới 175.000 quân áp sát biên giới. Phương Tây lo ngại một cuộc xung đột quân sự sắp diễn ra.

img

Tổng thống Nga Vladimir Putin thị sát một cuộc tập trận vào tháng 9.2021.

Theo New York Times, mục đích đằng sau hành động cứng rắn này là quan điểm rõ ràng của Nga, về việc bảo vệ lợi ích ở Đông Âu, cũng như ngăn Ukraine tiếp tục ngả về phương Tây, như gia nhập NATO và cho phép binh sĩ NATO đồn trú.

Bên cạnh đó, yếu tố lịch sử cũng phần nào được thể hiện trong hành động cứng rắn của Nga.

Chuyên gia Gleb O. Pavlovsky, cựu cố vấn của ông Putin, nói Nga coi Ukraine là “vết thương lòng”, một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nga, nhưng lại chia tách thành nước khác kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Vấn đề quan hệ giữa Nga và Ukraine tương đối phức tạp. Tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức ở Ukraine, nhưng tiếng Nga với sự tương đồng lớn, ngày nay vẫn được sử dụng rộng rãi.

Người Nga thường coi Kiev, thủ đô Ukraine, là trung tâm của đế chế Kievan Rus thời Trung Cổ, là nơi khai sinh của quốc gia. Các cây viết nổi tiếng của Nga như Nikolai Gogol và Mikhail Bulgakov đều đến từ Ukraine, nhà cách mạng Leon Trotsky và nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev cũng như vậy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nay nói tiếng Ukraine. Nhưng ông từng gây dựng sự nghiệp là danh hài nói tiếng Nga, chuyên đi lưu diễn tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

“Một trong những vấn đề lớn làm gia tăng nguy cơ xung đột là Nga sẽ mất đi yếu tố lịch sử nếu không duy trì ảnh hưởng với Ukraine”, Ilya Ponomarev, cựu nghị sĩ Nga, nhà lập pháp duy nhất bỏ phiếu chống việc sáp nhập Crimea, nói. Ông Ponomarev nay đã chuyển sang sống ở Ukraine và được cấp quyền công dân.

img

Hình ảnh ông Putin được treo bên trong một nhà máy ở khu vực do phe ly khai miền đông Ukraine kiểm soát.

Hàng triệu người Nga và Ukraine có người thân sống ở một trong hai quốc gia, là kết quả của cuộc di dân thời Liên Xô, khi Ukraine còn là xương sống trong ngành công nghiệp Liên Xô.

Aleksei A. Navalny, một nhà hoạt động đối lập Nga có quê ở Ukraine, từng nói: “Tôi không thấy có sự khác biệt giữa người Nga và người Ukraine”.

Ivan Timofeev, giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, tổ chức do chính phủ tài trợ, nói NATO trong những năm qua đưa quân đến nhiều quốc gia vùng Baltic có chung biên giới với Nga như Latvia, Estonia. Nhưng quân đội NATO một khi hiện diện ở Ukraine sẽ giống như “giọt nước tràn ly”.

Theo đánh giá của ông Timofeev, khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine là không cao, do làm tăng nguy cơ Nga chịu thêm các lệnh cấm vận từ phương Tây, khiến đời sống người dân càng khó khăn.

Nga có thể hành động chớp nhoáng sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng vấn đề Ukraine phức tạp hơn nhiều. Can thiệp quân sự vào Ukraine là điều đa số người Nga không ủng hộ, theo ông Timofeev.

Theo New York Times, Nga có thể không mạo hiểm can thiệp quân sự vào Ukraine, nhưng việc đưa quân áp sát biên giới phản ánh Moscow vẫn cần duy trì ảnh hưởng với Kiev, xuất phát từ mối quan hệ ràng buộc trong lịch sử.

Nhưng chính sách cứng rắn của Nga cũng gây bất bình cho một bộ phận đông đảo người dân Ukraine. Trong một cuôc khảo sát do trung tâm Razumkov có trụ sở ở Kiev thực hiện vào năm nay, 54% người Ukraine được hỏi nói rằng họ ủng hộ gia nhập NATO, so với mức 14% vào năm 2012.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem