Mừng tuổi sách, tại sao không?

Thứ năm, ngày 26/01/2017 20:20 PM (GMT+7)
Mừng tuổi sách đang trở thành một trào lưu mới trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Thay vì mừng tuổi bằng tiền mặt, nhiều người đã cất công lựa chọn từng đầu sách để chuẩn bị cho việc mừng tuổi các cháu nhỏ, thậm chí mừng tuổi cả người lớn.
Bình luận 0

Sau 3 năm thí điểm tặng sách ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế trong đêm giao thừa và trong năm mới cũng như tặng sách đầu xuân cho các trường học ở Thái Bình, năm nay, anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn (SHNT) Việt Nam đã quyết định phát động phong trào mừng tuổi sách trên quy mô quốc gia. Hoạt động này đã được anh Thạch và các thành viên SHNT tích cực hưởng ứng trong những ngày qua bằng hành động thiết thực cũng như truyền thông dày đặc trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

“Ban đầu, tôi đưa ra con số khá tham vọng là mục tiêu 1 triệu cuốn sách sẽ được mừng tuổi cho trẻ em trong năm nay. Tuy nhiên, sau khi tham vấn một số anh em, chúng tôi quyết định chọn số 201.700 cuốn sách làm mục tiêu hướng đến để kêu gọi toàn xã  hội chung tay. Con số này tượng chưng cho năm 2017+. Việc đặt mục tiêu cao quá sẽ khó có nhiều sách tốt cho trẻ em” anh Nguyễn Quang Thạch nói.

Anh Thạch cho biết, tính đến thời điểm giữa tháng 1.2017, cộng đồng đã hình thành nên các nhóm “mừng tuổi sách” tại các tỉnh thành như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Diễn Châu (Nghệ An), Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Nam Định, Ninh Bình… để không chỉ mừng tuổi cho người quen, mà mừng tuổi cả cho những người đi đón Giao thừa, tạo niềm vui bất ngờ cho các em nhỏ.

img

Anh Nguyễn Quang Thạch mừng tuổi sách cho các em nhỏ tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong đêm Giao thừa Tết Dương lịch 2017.

Trên thực tế, mừng tuổi sách dù chưa thể phát triển thành một phong trào rộng khắp cả nước như mong đợi, nhưng cũng đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người lớn. Từ 3 năm trước, anh Nguyễn Quang Thạch đã tiến hành việc mừng tuổi sách cho trẻ em tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), từ đó đến nay công việc này vẫn được duy trì và nhân rộng ở các tỉnh thành trên cả nước vào mỗi thời khắc Giao thừa của Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch tại các điểm vui chơi công cộng.

Thông điệp của chương trình là người lớn hãy hình thành thói quen mừng tuổi sách thay vì mừng tuổi bằng phong bao lì xì, để gieo mầm tri thức cho con em mình. Khi mừng tuổi sách, người lớn sẽ có cơ hội tìm hiểu sở thích của trẻ nhỏ, qua đó sẽ giúp người lớn hiểu rõ hơn về trẻ con, cha mẹ cũng sẽ gần gũi con cái nhiều hơn.

Tục mừng tuổi đã bị biến tướng trong những năm gần đây khi đời sống khấm khá hơn, nhưng hình như người ta đã quên đi ý nghĩa tốt đẹp đằng sau tục mừng tuổi. Người xưa chỉ tặng chữ, tặng nhau câu đối vào những dịp Tết Nguyên đán mà thôi. Đó cũng là lý do để “Mừng tuổi sách” được nhiều người hưởng ứng hơn.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ DTT, một thành viên của SHNT - đã kêu gọi các thành viên trong Liên minh STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán) mỗi đơn vị đóng góp từ 1 triệu đồng để mua sách STEM, tạp chí khoa học… để mừng tuổi cho những nơi có nhu cầu. Lời kêu gọi này ngay lập tức đã được các thành viên, những người hoạt động trong Liên minh STEM hưởng ứng và cam kết ủng hộ.

img

"Mừng tuổi sách" để "Hướng tới tương lai".

Chị Vũ Thị Thu Hà, thành viên tích cực của Chương trình SHNT, cho biết năm nay chị cũng sẽ mừng tuổi bằng sách thay cho lì xì tiền, vì thực tế việc mừng tuổi bằng tiền mặt giống như một sự trao đổi qua lại của người lớn thông qua những đứa trẻ. Số lượng sách mừng tuổi lên đến hơn 300 cuốn đã được chị chọn kỹ càng từ cách đây 1 tháng, để chuẩn bị mừng tuổi cho trẻ em ở Hà Nội và quê nhà huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

“Thường thì những đứa trẻ trẻ không được tiêu số tiền đó cho bản thân mà bỏ lợn để dùng vào việc gì đó sau này dưới sự can thiệp của cha mẹ, hoặc đưa lại số tiền mừng tuổi đó cho cha mẹ mình, điều này có thể khiến cho nhiều trẻ trở nên thực dụng, nhiều trẻ tỏ thái độ với số tiền mừng tuổi nhiều hay ít rồi so sánh bác này mừng nhiều, cô kia mừng ít, hoặc thậm chí có những trẻ sử dụng tiền mừng tuổi vào việc ăn quà vặt, mua những đồ chơi không phù hợp, sử dụng tiền chơi game...,” Chị Vũ Thị Thu Hà nói.

Quan sát chính những đứa trẻ trong gia đình mình, chị Hà đi đến kết luận mỗi khi bọn trẻ được yêu cầu chuyển tiền mừng tuổi cho bố mẹ giữ hộ để tiêu vào một dịp khác cần thiết, các con thường tỏ ra không vui và có cảm giác như đã bị tước đi quyền được sở hữu tài sản riêng. “Điều này khiến tôi là mẹ cũng thấy nhiều hệ lụy của việc mừng tuổi bằng tiền mặt cho trẻ. Trong khi đó, khi mình tặng một cuốn sách phù hợp với lứa tuổi cho các cháu, các cháu rất thích và thường mở ra đọc rất say sưa. Vậy tại sao ngày đầu năm chúng ta không tặng trẻ những cuốn sách có giá trị nhân văn, tri thức, làm đẹp tâm hồn trẻ?” - chị Vũ Thị Thu Hà nói.

Là người có thói quen tặng sách và mừng tuổi sách từ nhiều năm nay, anh Lại Văn Thăng – Giám đốc Nhân sự CTCP Kiến trúc & Xây dựng Nhất Nguyên chia sẻ: “Tôi quan niệm món quà và tặng quà đều đáng quý. Từ năm 2006, tôi thích tặng sách cho người khác vào những dịp sinh nhật của họ. Dần dà tôi hay tặng sách vào nhiều dịp khác nữa, chẳng hạn như vào mỗi dịp đầu năm mới, như một hình thức để mừng tuổi. Và khi được tặng quà, tôi cũng thẳng thắn nên tặng sách cho tôi”.

Theo quan điểm của anh Thăng, nếu như các món quà tặng cho nhau đa phần là sách sẽ góp phần thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn. Việc lan tỏa thói quen tặng sách và mừng tuổi sách sẽ thúc đẩy thói quen đọc sách cho cả người lớn và trẻ em. Tết Nguyên đán năm nay, anh Thăng cho biết anh dự kiến sẽ mừng tuổi hơn 100 cuốn sách tại quê nhà (thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cho các lứa tuổi từ học sinh tiểu học đến sinh viên đang học Đại học, trong đó chủ yếu hướng đến các em nhỏ học sinh.

“Các cuốn sách có nội dung về phát triển giá trị sống, phát triển trí tuệ, sách về các danh nhân, sách khoa học ứng dụng, văn học, lịch sử… Những năm trước tôi thấy các cháu đều thể hiện sự hồ hởi khi được mừng tuổi sách, người lớn được tặng sách còn vui, huống hồ trẻ em” - anh Lại Văn Thăng chi sẻ.

Đánh giá về “phong trào” mừng tuổi sách, anh Lại Văn Thăng bày tỏ hy vọng việc này sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tác động tầm quốc gia, để một vài năm tới sẽ bùng nổ và trở thành một nếp văn hóa quốc gia.

Nguyễn Tuân (Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem